MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Giá xăng tăng, lượng khách ít khiến nhiều tài xế xe ôm ở Hoà Bình lao đao, chỉ biết ngồi mỏi mòn chờ khách. Ảnh: Khánh Linh

Tài xế xe ôm, taxi ở tỉnh miền núi Hoà Bình lao đao vì xăng tăng giá

Khánh Linh LDO | 06/06/2022 17:08
Hoà Bình - Việc giá xăng liên tục lập đỉnh đã khiến nhiều tài xế taxi, xe ôm truyền thống ở Hoà Bình lao đao. Rất nhiều trong số đó đang có ý định bỏ nghề.

Những ngày đầu tháng 6.2022, trong cái nắng gay gắt của mùa hè, theo ghi nhận của PV Báo Lao Động, tại khu vực cổng bến xe trung tâm TP.Hoà Bình (tỉnh Hoà Bình), những người làm nghề chạy xe ôm vẫn ngồi lặng lẽ chờ khách ở các góc đường.

Ánh mắt họ trông theo những chuyến xe khách chuẩn bị cập bến với mong muốn kiếm được cuốc khách gỡ gạc lại giá xăng đang lên từng ngày. 

Làm nghề xe ôm đã gần chục năm nay, vừa trải qua cơn "bão" dịch nay lại đến "bão" giá xăng, ông Phạm Ngọc Thành (60 tuổi, trú tại phường Phương Lâm, TP.Hoà Bình) không khỏi thở dài ngao ngán. 

Ông Thành cho biết: "Thời gian trước, khi tình hình dịch mới tạm ổn định lại, thu nhập mỗi ngày cũng được 200.000 đồng. Nhưng giờ giá xăng tăng cao, ít khách, mỗi ngày chỉ được chưa đầy 100.000 đồng".

"Giá xăng tăng nhưng cũng không thể báo giá với khách lên được, chưa kể các loại chi phí bảo dưỡng, thay thế phụ tùng cũng là một khoản lớn" - ông Thành chia sẻ. 

Cùng cảnh ngộ với ông Thành, suốt mấy ngày nay, anh Bùi Văn Tưởng (30 tuổi), làm nghề tài xế xe taxi ở huyện Kim Bôi (tỉnh Hoà Bình) như ngồi trên đống lửa. Trong cái nắng đầu hè oi bức, lượng khách ít ỏi, giá xăng liên tục tăng đã khiến anh cùng nhiều anh em chung tình cảnh đi làm không đạt ngày công.

Nhấp ngụm nước chè đặc mang theo, anh Tưởng chia sẻ: "Giá xăng liên tục tăng mà tiền cước xe vẫn vậy, không dám thu chênh lên quá cao vì sợ mất khách. Mà thu giá cũ thì hoà vốn còn chưa dám nghĩ đến, chứ không mong đến chuyện có lãi".

Theo người tài xế này, anh làm nghề lái taxi đã được gần 4 năm nay. Trước đây khi chưa có dịch bệnh, mỗi ngày thu nhập ổn định khoảng 300.000 đồng. Với mức sống ở vùng miền núi, gạo và rau củ quả có sẵn trong vườn nhà, số tiền lương của anh về cơ bản đủ sống và vẫn có chút dư dả.

Nhưng từ khi dịch bệnh ập đến, cộng thêm xăng tăng giá đã khiến thu nhập của anh giảm xuống chỉ còn một nửa. Thu nhập kém, tiền chi tiêu sinh hoạt hằng ngày thì lại tăng, dù cố gắng lắm nhưng gia đình anh cũng không tránh khỏi cảnh thiếu trước hụt sau.

"Nếu tình trạng này vẫn tiếp diễn, có lẽ thời gian tới sẽ phải trả lại xe cho công ty để xuống Hưng Yên xin làm tài xế lái xe tải cho một doanh nghiệp sản xuất bao bì. Mặc dù đi xa và công việc nặng nhọc hơn, nhưng ít nhất thu nhập vẫn ổn định hơn nghề lái taxi" - anh Tưởng bộc bạch. 

Anh Tưởng cũng cho hay, kể từ khi giá xăng liên tiếp tăng, nhiều tài xế đã chuyển nghề, một số người thậm chí đã tính đến chuyện bán xe để thu hồi vốn.

Nhọc nhằn với những khó khăn liên tiếp khó khăn, các tài xế xe taxi, xe ôm truyền thống ở tỉnh miền núi Hoà Bình với làn da đen nhẻm, mồ hôi nhễ nhại vẫn kiên nhẫn ngồi chờ khách.

Những bác tài cũng bày tỏ mong muốn giá xăng và giá các loại thực phẩm, đồ dùng thiết yếu sớm qua cơn bão giá, nhanh chóng bình ổn để họ sớm ổn định cuộc sống.

Giá bán lẻ xăng dầu trong nước ngày 6.6 cụ thể như sau: Xăng E5 RON 92 không quá 30.235 đồng/lít; xăng RON 95 không quá 31.578 đồng/lít; dầu diesel không quá 26.394 đồng/lít; dầu hỏa không quá 25.346 đồng/lít và dầu mazut không quá 20.901 đồng/kg.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn