MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Công nhân tại Nhà máy Bibica Biên Hoà ở Khu công nghiệp Biên Hòa 1. Ảnh: HAC

Tâm sự của công nhân sắp di dời khỏi khu công nghiệp lâu đời nhất Việt Nam

HÀ ANH CHIẾN LDO | 25/06/2024 11:53

Đồng Nai - Có 14 doanh nghiệp phải di dời các nhà máy, xí nghiệp trước tháng 12.2024 theo Đề án chuyển đổi Khu công nghiệp Biên Hòa 1 thành Khu đô thị thương mại - dịch vụ và cải thiện môi trường. Thời điểm di dời chỉ còn vài tháng nữa, nhiều người lao động đang rất lo lắng vì đến nay vẫn chưa có chính sách hỗ trợ chi tiết.

Vị trí làm việc mới cách xa hàng chục cây số

Ở giai đoạn 1, có 14 công ty trong phần diện tích Khu 1 (khoảng 75,1ha), nằm về phía nam Khu công nghiệp Biên Hòa 1 (tiếp giáp cầu An Hảo, đường Trần Quốc Toản, đường Lê Văn Duyệt, xa lộ Hà Nội) phải di dời trước tháng 12.2024.

Khu công nghiệp Biên Hòa 1. Ảnh: HAC

Nhà máy Bibica Biên Hoà (Công ty CP Bibica) hiện có 351 người lao động, là 1 doanh nghiệp nằm trong diện di dời ở giai đoạn 1, trước tháng 12 năm 2024.

Hiện nay, công ty đã xác định được 2 vị trí mới ở Khu công nghiệp Giang Điền (huyện Trảng Bom) và Khu công nghiệp Vĩnh Lộc 2 (tỉnh Long An). Tuy nhiên, cả 2 vị trí này đều cách xa nơi họ đang sinh sống ở TP Biên Hòa hàng chục cây số. Trong khi đa số NLĐ là lao động lâu năm, đều ở độ 40-50 tuổi hoặc sắp về hưu.

Ông Phạm Trung Nam (48 tuổi, ngụ TP Biên Hòa) đã làm được 25 năm tại Nhà máy Bibica Biên Hoà chia sẻ, nếu công ty di dời tới nơi làm việc mới quá xa thì NLĐ đã có gia đình, con cái sẽ rất khó khăn trong việc đi lại. Còn nếu nghỉ việc cũng khó tìm được công việc khác vì đã lớn tuổi. "Tôi mong rằng, địa phương sớm xem xét các chính sách hỗ trợ NLĐ khi mất việc để ổn định cuộc sống" - ông Nam chia sẻ.

Theo đề án đánh giá, độ tuổi của người lao động chủ yếu từ 30 tuổi trở lên do đặc điểm Khu công nghiệp Biên Hòa 1 có nhiều doanh nghiệp đã hoạt động từ lâu, người lao động đã có nhiều năm làm việc, đang có cuộc sống ổn định tại TP Biên Hòa hoặc gần TP Biên Hòa. Do đó, khi doanh nghiệp di dời đến địa điểm mới (thường xa Khu công nghiệp Biên Hòa 1), người lao động đa số không thể đi theo, vì khó khăn trong việc đi lại, nơi ở... Trong trường hợp nghỉ việc, lao động cũng khó tìm được việc làm mới do đã lớn tuổi.

Sớm có chính sách hỗ trợ người lao động

Về chính sách hỗ trợ di dời, theo đề án, các chi phí hỗ trợ đời sống người lao động và ổn định sản xuất, chi phí đào tạo nguồn nhân lực khoảng trên 1.270 tỉ đồng. Tuy nhiên, ông Nông Văn Dũng – Phó Giám đốc Sở Lao động thương binh và xã hội tỉnh Đồng Nai cho biết, đã gửi phiếu khảo sát đối với người lao động làm việc ở các doanh nghiệp trên địa bàn Khu công nghiệp Biên Hòa 1. Căn cứ theo phiếu khảo sát, Sở Lao động thương binh và xã hội tỉnh Đồng Nai sẽ đề xuất chính sách mới của tỉnh Đồng Nai để hỗ trợ người lao động.

Còn các chính sách của Luật Lao động và các chính sách hiện nay đang được Nhà nước khuyến khích hỗ trợ thì vẫn áp dụng, như hỗ trợ vay vốn giải quyết việc làm, hỗ trợ học nghề…

Khu công nghiệp Biên Hòa 1 và Khu công nghiệp Biên Hòa 2 nằm trên trục Quốc lộ 1. Ảnh: HAC

Trước đó, ngày 23.2, UBND tỉnh Đồng Nai cho biết đã ban hành quyết định phê duyệt đề án Chuyển đổi công năng Khu công nghiệp Biên Hòa 1 thành khu đô thị - thương mại - dịch vụ và cải thiện môi trường.

Đến ngày 10.6, thông tin từ UBND tỉnh Đồng Nai cho biết, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Tấn Đức đã ký quyết định ban hành kế hoạch triển khai phương án di dời các nhà máy, xí nghiệp theo Đề án chuyển đổi Khu công nghiệp Biên Hòa 1 thành Khu đô thị thương mại - dịch vụ và cải thiện môi trường.

Khu công nghiệp Biên Hòa 1 là khu công nghiệp lâu đời nhất Việt Nam được thành lập từ năm 1963 với tên gọi Khu kỹ nghệ Biên Hòa. Sau năm 1975, Khu kỹ nghệ Biên Hòa đổi tên thành Khu công nghiệp Biên Hòa 1.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn