MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Công nhân tham gia tư vấn tuyển sinh vào lớp đại học do tổ chức công đoàn và Trường Đại học Kinh tế TPHCM tổ chức.

“Tấm vé” bước vào thời đại 4.0

LÊ TUYẾT LDO | 20/02/2018 12:31
Một lần ghé thăm nhà máy sản xuất máy may tại TPHCM, tôi hỏi anh công nhân đứng máy: “Anh có biết gì về cách mạng công nghiệp 4.0 không?”. Anh gãi gãi đầu, rồi ví dụ: “Một dây chuyền sản xuất từ 13 người giảm xuống còn 1 vì máy móc làm hết, mỗi bước chân của công nhân đều được máy đo thời gian, bước chậm là máy kêu “tút tút”… Máy kêu càng nhiều, nguy cơ mất việc của công nhân càng cao.

Tôi hỏi anh công nhân đứng máy gần 40 tuổi tên Triệu Thanh Mẫn: “Vậy anh có sợ bị thay thế không?”, anh cười, đưa tay lau mấy giọt mồ hôi lấm tấm trên má: “Sợ chứ. Sợ mới ngày đi làm, đêm đi học. Học để tìm một tấm vé đi tiếp, để không bị bỏ lại phía sau”.

Phải tự mở cho mình một cánh cửa

Anh vốn là con dân xứ Thanh, vào Sài Gòn lập nghiệp. Anh cười hê hê: Nói lập nghiệp, chứ thực ra là học xong lớp 12, gia đình khó quá, bố mẹ không nuôi đi học được nữa nên xách mấy bộ quần áo Nam tiến.

Cách đây 20 năm, Tân Thuận là một trong những khu chế xuất đầu tiên của Sài Gòn, nhà máy ít nên tiêu chuẩn tuyển công nhân rất ngặt nghèo. Phải qua mấy vòng tuyển, anh mới được nhận vào làm công nhân đứng máy. Cứ nghĩ có công việc vậy là ổn định nhưng mấy năm gần đây, công ty thay đổi công nghệ, dây chuyền sản xuất nên liên tục giảm nhân công. 

Công nhân hoặc bị chấm dứt hợp đồng lao động hoặc được điều chuyển sang vị trí mới. Lần điều chuyển mới nhất của anh cách đây 6 tháng, anh suy nghĩ: “Nếu không thay đổi, chắc chắn đến một ngày sẽ không còn việc nữa”.

38 tuổi, anh bắt đầu tìm kiếm một cơ hội mới ở lớp đại học hệ vừa làm vừa học đầu tiên dành cho công nhân lao động TPHCM, chuyên ngành Quản trị kinh doanh do Trường Đại học Kinh tế TPHCM và LĐLĐ TPHCM phối hợp tổ chức. Ngày đi làm, đêm đi học, có lúc ngồi trên lớp hai mắt ríu lại nhưng anh hạ quyết tâm: “Chưa biết sau lớp học này cuộc đời mình có thay đổi không nhưng tôi nghĩ, khi còn thời gian, mình phải tự mở cho mình một cánh cửa”.

Vướng bận con nhỏ, tăng ca, chị Mỹ Tiên (quê Tiền Giang, trọ ở ấp Đông, xã Thới Tâm Thôn, Hóc Môn, TPHCM) đăng ký học online. Chị nói, thời buổi này chỉ cần một cái điện thoại là có cả thế giới, giúp những người có nhu cầu học thêm như chị rất nhiều. Lớp học chị đang theo là “Chăm sóc da toàn diện”.

Buổi tối, khi việc nhà đã xong, chị mở điện thoại, bật 3G, đăng nhập bằng tài khoản rồi học theo. Tranh thủ lúc nghỉ trưa, nghỉ giữa ca, chị lên mạng cập nhật kiến thức về các loại da, cách chăm sóc da bằng sản phẩm thiên nhiên…

Chị kỳ vọng: “Sau khi học xong, tôi sẽ mở một spa chăm sóc da online, sẽ phục vụ khách tận nhà. Tương lai, nếu xưởng may của tôi mà thay người bằng rô-bốt, tôi cũng không sợ vì đã có cái nghề”.

Lời động viên của Thủ tướng

Khao khát được học, được mở cho mình cánh cửa mới, nhiều công nhân đã không quản ngại khó khăn để đến lớp, để tiếp cận được những kiến thức mới. Trong cuộc tìm kiếm tấm vé bước vào thời đại 4.0 của công nhân, không thiếu dấu ấn của tổ chức công đoàn. Tiêu biểu lớp đại học được tổ chức ngay tại trụ sở LĐLĐ thành phố do LĐLĐ TPHCM và Trường Đại học TPHCM tổ chức.

Theo lời ông Trần Đoàn Trung - Phó Chủ tịch LĐLĐ TPHCM - qua lớp học này, tổ chức công đoàn mong muốn giúp công nhân chủ động thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang lan tỏa sâu rộng!

Mới đây, trong 300 công nhân tiêu biểu vinh dự được trò chuyện với Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Đồng Nai diễn ra vào tháng 10.2017, 5 công nhân được nhận học bổng toàn phần của Thủ tướng là những người hạnh phúc nhất. Hạnh phúc không chỉ từ nay, những khó khăn, lo toan trong việc học của họ phần nào được san sẻ mà quyết tâm đến trường của các công nhân này được người đứng đầu Chính phủ ủng hộ.

Cũng trong cuộc gặp gỡ với công nhân diễn ra tại Đồng Nai, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đề nghị tổ chức CĐ cần lập quỹ học bổng tiếp sức công nhân lao động đến trường. Trước đề nghị của Thủ tướng, người đứng đầu tổ chức Công đoàn Việt Nam - Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Bùi Văn Cường hứa sẽ triển khai ngay.

Là một trong những người chứng kiến và lắng nghe cuộc đối thoại giữa Thủ tướng và người đứng đầu tổ chức công đoàn về thành lập quỹ học bổng dành riêng cho công nhân, tôi lại nhớ đến lời tâm huyết của ông Nguyễn Xuân Hồng – Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Tây Ninh: “Công nhân của mình ham đi học, ham kiến thức vô cùng nhưng cơm áo gạo tiền “ghì” dữ quá, cho nên tổ chức công đoàn có được quỹ học bổng tiếp sức, tôi tin mấy em sẽ có động lực đi học để thay đổi cuộc đời mình”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn