MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Tân cử nhân chật vật tìm việc làm sau ra trường trong dịch COVID-19

Minh Phương - Trang Hoài LDO | 07/09/2020 19:22
Dịch COVID-19 không chỉ khiến công nhân, lao động bị mất việc, ngưng việc, giãn việc làm mà tân cử nhân ra trường cũng chật vật mới xin được việc làm.

Doanh Tuấn 23 tuổi - tốt nghiệp khoa Xây dựng (Đại học Mỏ - Địa chất) với tấm bằng khá nhưng ra trường đúng đợt dịch COVID-19 lần 2 bùng phát nên nỗ lực xin việc rất khó khăn.

Doanh Tuấn - sinh viên Trường Đại học Mỏ - Địa chất chật vật mới xin được công việc trái ngành học trong giai đoạn dịch COVID-19. Ảnh: Trang Hoài

Tuấn nói, do không muốn bố mẹ lo lắng và phải về quê nên đành xin gia đình ở lại Hà Nội tìm việc làm tạm thời. Trong thời gian đó, Tuấn đợi cơ hội khác làm việc làm đúng chuyên ngành tốt nghiệp.

Hiện nay công việc của Tuấn là tư vấn cho một công ty bảo hiểm ở Nam Từ Liêm, không liên quan gì đến ngành Tuấn đã từng học.

Nhiều cử nhân mới tốt nghiệp không dám ở lại thành phố làm việc vì chi phí sinh hoạt cao trong khi công việc khan hiếm.

Thân Minh Phương - Đại học Lao động - Xã hội - chuyên ngành Quản trị nhân lực, là một trong những trường hợp trên.

Phương bảo, có được tấm bằng Đại học loại giỏi, cô vui mừng và tự hào. Nhưng cũng không khỏi lo lắng cho những ngày tháng về sau khi không thể xin việc ở công ty theo đúng ngành mình theo học. Không có việc, cô chọn về quê để đỡ được phần chi phí cho phòng trọ và sinh hoạt hàng ngày.

"Ra trường vào tháng 7, cầm tấm bằng loại giỏi, tôi xin vào một công ty bất động sản nhưng đều bị từ chối và hẹn chờ cơ hội khác.

Thời điểm dịch COVID-19, giao dịch bất động sản nhiều nơi đóng băng, lúc này họ chỉ muốn sa thải nhân viên chú không ai dám thuê một người mới ra trường không có kinh nghiệm như tôi.

Nhiều lần không xin được việc, tôi đành trở về quê, xin làm việc tại một cửa hàng điện thoại với mong muốn giải quyết được việc làm trong thời gian khủng hoảng này” - Phương cho hay.

Cùng thời điểm ra trường trùng với dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, Nguyễn Thị Hường - khoa Công tác xã hội (Đại học Lao động - Xã hội) cũng gặp vô vàn khó khăn.

Đi xin việc nhiều nơi không được, Hường đành tìm công việc khác để làm tạm thời trong giai đoạn dịch COVID-19. Ảnh: Trang Hoài

Nhận được tấm bằng trên tay, Hường nộp hồ sơ nhiều nơi nhưng chật vật không xin được việc vì công việc không nhiều và phải cạnh tranh với lượng lớn lao động đã có kinh nghiệm mất việc do dịch COVID-19.

Hường tâm sự: "Ra trường không có công việc, vừa buồn, vừa thương bố mẹ lo lắng. Nhưng với tình hình hiện nay, có lẽ tôi phải tìm một công việc tạm thời để có tiền phụ giúp gia đình".

Có thể thấy, việc làm đang là mối lo lớn của một bộ phận công nhân, lao động mà còn đối với hàng nghìn sinh viên ra trường thời điểm này.

Tổng cục Thống kê (Bộ KH-ĐT) công bố tại cuộc họp báo sáng 10.7 về tình hình lao động việc làm quý 2 và 6 tháng đầu năm 2020. Ảnh hưởng do giảm thu nhập chiếm tỉ trọng cao nhất với 57,3% tổng số người bị ảnh hưởng (tương ứng 17,6 triệu người).

Trong tổng số 30,8 triệu người bị ảnh hưởng, có 28,7 triệu người có việc làm; 897.500 người thất nghiệp và 1,2 triệu người nằm ngoài lực lượng lao động.

Tính đến tháng 6, cả nước có 30,8 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch COVID-19, bao gồm những người bị mất việc làm, phải nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập…

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn