MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Tăng ca là lựa chọn duy nhất hiện nay để công nhân có thêm thu nhập

PHƯƠNG NGÂN LDO | 24/03/2022 12:39

TPHCM - Lương không tăng trong khi chi phí sinh hoạt, đi lại mỗi lúc một tăng khiến thu nhập không đủ bù chi phí và tăng ca là giải pháp duy nhất để công nhân có thêm thu nhập vào thời điểm hiện nay.

Tăng ca để có thêm thu nhập

Ngồi trước phòng trọ phường Bình Chiểu, TP.Thủ Đức, TPHCM, chị Nguyễn Thị Hảo (35 tuổi), quê Nghệ An nhẩm tính, mỗi tháng trả tiền nhà trọ 1,5 triệu đồng, tiền gửi 2 đứa con nhỏ 3 triệu đồng cộng thêm tiền xăng xe, ăn uống mỗi tháng 2 vợ chồng chị cùng 2 đứa con chi tiêu tiết kiệm nhất có thể thì cũng mất hơn 7 triệu đồng/tháng.

"Đó là chưa tính tiền đám tiệc, thuốc men mỗi khi bệnh đã ngốn gần hết tiền lương của hai vợ chồng. Nếu không tăng ca thì cuộc sống càng chật vật hơn nữa" - chị Nguyễn Thị Hảo, công nhân KCX Linh Trung II, TP. Thủ Đức chia sẻ.

 Chi phí tăng cao mỗi ngày nhưng tiền lương không tăng nên tăng ca là giải pháp để giúp người lao động có thêm thu nhập.

Làm việc ở công ty giày da Freetrend tại KCX Linh Trung II đã 3 năm, mỗi tháng nếu có tăng ca chị Hảo kiếm được hơn 6 triệu đồng sau khi đã trừ bảo hiểm. Một ngày làm việc của chị Hảo bắt đầu từ lúc 7h30 sáng đến 16h30, nếu hôm nào có tăng ca thì chị sẽ về trễ hơn 1,5 giờ.

"Bình thường nếu không tăng ca tôi về lúc 16h30, còn tăng ca thì làm đến 18h. Có những công ty tăng ca nhiều hơn nhưng do có con nhỏ nên tôi lựa chọn làm ở đây để có thời gian chăm con, chứ không tôi cũng tìm công ty khác tăng ca nhiều để có thêm thu nhập"- chị Hảo nói thêm.

Trở về phòng trọ ở phường Linh Xuân, TP.Thủ Đức sau giờ tăng ca, anh Huỳnh Thanh Ca, quê Cần Thơ ngồi trò chuyện: "Chỉ khi nào đứt hàng thì tôi mới về sớm lúc 16h30 nhưng đa phần tôi tăng ca cả tuần. Nếu cho tôi lựa chọn làm hành chính 8 tiếng và tăng ca thêm thì tôi chọn tăng ca, vì nếu làm việc 8 tiếng/ngày mức thu nhập không đủ để sống tại TPHCM. Hơn nữa, khi tăng ca tôi sẽ được ăn cơm tại công ty như thế sẽ tiết kiệm được chi phí" - anh Huỳnh Thanh Ca, công nhân Công ty giày da Thái Bình, tỉnh Bình Dương chia sẻ.

Công việc của anh Ca bắt đầu từ lúc 7h30 sáng, một tuần làm việc 6 ngày thì 4 ngày anh tăng ca đến 20h, 2 ngày còn lại anh tăng ca đến 18h15.

Công nhân phấn khởi vì được nới "trần" giờ làm thêm

Khi nghe thông tin Nghị quyết về thời giờ làm thêm trong 1 tháng và trong 1 năm của người lao động được Ủy ban Thường vụ Quốc hội biểu quyết thông qua, nới lỏng thời gian tăng ca tối đa từ 40 tiếng/tháng lên 60 tiếng/tháng, anh Huỳnh Thanh Ca không giấu được sự vui mừng.

"Đây là điều đáng mừng với công nhân, lao động chúng tôi vì mức lương tối thiểu không đủ để trang trải cuộc sống nên việc được tăng thêm giờ làm sẽ giúp người lao động chúng tôi có thêm thu nhập" - anh Ca, phấn khởi nói.

Theo anh Ca, tăng ca đôi khi cũng thấy mệt nhưng nghĩ đến việc sẽ có thêm tiền nên anh cố gắng.  

Thuê nhà trọ tại TP Thủ Đức, TPHCM sống cùng vợ, đứa con đang học lớp 7 anh Ca gửi cho ông bà ở dưới quê. Nếu tính hết chi phí thì mỗi tháng vợ chồng anh phải chi 10 triệu đồng, nếu không tăng ca thì hai vợ chồng anh sẽ không thể xoay xở được.

Còn ông Nguyễn Thanh Điền, 46 tuổi, quê ở Hậu Giang đang làm việc tại công ty bột giặt trên địa bàn TP Thủ Đức cũng mong được tăng ca thêm vì hiện công ty ông chỉ tăng ca 30 tiếng/tháng.

"Được tăng giờ tăng ca thì quá tốt, có thể sẽ cực hơn một chút nhưng bù lại công nhân sẽ có thêm tiền. Với mức sống ở TPHCM hiện tại mà không tăng ca cuộc sống sẽ chật vật lắm"- ông Nguyễn Thanh Điền, chia sẻ.

Chiều 23.3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, thông qua dự thảo Nghị quyết về thời giờ làm thêm trong 1 tháng và trong 1 năm của người lao động. Nghị quyết nêu rõ nếu khi người sử dụng lao động có nhu cầu và được sự đồng ý của người lao động thì làm thêm trên 40 giờ nhưng không quá 60 giờ trong 1 tháng.

Nhiều công nhân, lao động vui mừng khi được tăng giờ làm thêm để tăng thu nhập hiện có, nhưng nhiều công nhân cũng cho rằng đây không phải là giải pháp lâu dài, cần có giải pháp phù hợp hơn như tăng mức lương tối thiểu để người lao động được bảo đảm sức khỏe, tái tạo sức lao động, an toàn lao động mà vẫn đảm bảo được thu nhập cho cuộc sống.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn