MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Tăng ca nhiều có thêm thu nhập nhưng khiến công nhân mệt mỏi

Hương Chi LDO | 27/07/2022 14:51

Chị Nguyễn Thị Thức (công nhân một công ty tại thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ) cho biết, nếu không làm thêm thì thu nhập một tháng của chị chỉ được khoảng 4,7 triệu đồng. 

Chị Thức cho biết, lương cơ bản trước thời điểm tháng 7 là 4.570.000 đồng. Nếu không làm thêm, thu nhập chỉ có lương cơ bản và các khoản phụ cấp (phụ cấp xăng xe: 200.000 đồng/tháng; phụ cấp thâm niên: 300.000 đồng/tháng). Như vậy, tổng thu nhập gần 5,1 triệu đồng.

Sau khi trừ đi 500.000 đồng, tiền đóng bảo hiểm xã hội, nữ công nhân cầm về chỉ còn khoảng 4,6 triệu đồng.

Mức thu nhập còm cõi, nên điều dễ hiểu là chị Thức mong được làm thêm, bởi lẽ, nếu làm thêm, chị được thêm số tiền hơn 1 triệu đồng/tháng.

Thời gian này, công ty nơi nữ công nhân này làm việc đang tổ chức tăng ca 2 giờ/ngày, từ 16h30 đến 18h30. Tính ra, một tháng chị Thức đi làm thêm 50 tiếng. Tiền làm thêm được tính bằng 1,5 giờ làm việc bình thường nên mỗi tiếng chị được trả 34.000 đồng.

“Nếu một tháng đi làm thêm 50 tiếng, tôi mới có được thu nhập 6 triệu đồng/tháng” - chị Thức nói. Để có được số tiền trên, chị Thức phải chịu nhiều mệt mỏi, vất vả, trong khi đang bị bệnh tật. Nhiều hôm, chị phải làm trong môi trường nóng nực (do nơi làm việc không lắp điều hoà nhiệt độ mà chỉ có quạt trần).

Không chỉ vậy, chị còn không thể về sớm để có thể chăm sóc, nấu bữa ăn tối cho các con. Chồng chị Thức làm nghề tự do, có thu nhập còn thấp hơn vợ. Tổng thu nhập của cả 2 hơn 10 triệu đồng. Trong khi đó, một tháng, cả gia đình chị với 4 thành viên có rất nhiều thứ phải chi.

“Gia đình tôi ăn uống rất đơn giản, có sao ăn vậy, quanh đi quẩn lại chỉ có một vài món, nhưng như vậy cũng phải mất bình quân 50.000-70.000 đồng/ngày; rồi tiền mua gạo. Ngoài ra, tôi còn phải trả tiền điện, nước, tiền sinh hoạt cá nhân, đồ ăn cho con.. Chỉ những khoản chi như vậy thôi đã hết thu nhập của tôi. Thu nhập của chồng tôi để mua thuốc chữa bệnh cho tôi cùng con và một số chi phí khác” - chị Thức cho hay.

Quãng thời gian nữ công nhân này có thu nhập cao nhất chính là tháng 2,3.2022 vừa qua, sau khi sản xuất trở lại bình thường. Thời điểm đó, công ty tổ chức làm thêm nhiều hơn để bù lại quãng thời gian bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Một tuần, chị Thức có 2 ngày làm thêm 4 giờ; còn lại làm thêm 2 giờ; chủ nhật được nghỉ. Nói là có mức thu nhập cao nhất từ trước đến nay, nhưng con số cũng chỉ dừng lại 6,8-6,9 triệu đồng.

Từ tháng 7.2022, chị Thức được tăng lương cơ bản, lên mức 4,7 triệu đồng theo như Nghị định 38 về quy định mức lương tối thiểu vùng của Chính phủ. Theo chị, dù có tăng lương, nhưng nếu không làm thêm thì chị sẽ không có thu nhập đủ trang trải cho cuộc sống gia đình ở mức tối thiểu. Vì vậy, dù mệt mỏi, chị vẫn sẽ đi làm thêm nếu công ty có nhu cầu.

Còn nếu không đi làm thêm, lương của chị Hoàng Thị Mến (Công nhân Khu công nghiệp Thăng Long, Hà Nội) chỉ 6 triệu đồng/tháng. Trong đó, chị được nhận lương cơ bản 5,3 triệu đồng, phụ cấp đi lại 300.000 đồng, nhà ở 200.000 đồng, chuyên cần 200.000 đồng. 

"Thời gian này, tôi thường xuyên tăng ca thêm 4 tiếng, tổng cộng 12 tiếng/ngày, trừ thứ 7, chủ nhật. Nếu tăng ca liên tục như vậy, lương của tôi khoảng 8 triệu đồng mỗi tháng" - chị Mến cho biết.

Để có thu nhập 8 triệu đồng, chị Mến chia sẻ, chị phải làm việc quần quật trong nhà máy suốt 12 tiếng (trừ thời gian ăn uống, nghỉ ngơi...). Không những thế, nhóm công nhân như chị phải thêm áp lực về sản lượng, thời gian chuẩn từng phút.

"Ở dưới này cái gì cũng đắt đỏ, số tiền kiếm được cũng chỉ đủ chi tiêu trong gia đình một cách dè dặt nhất"  - nữ công nhân quê Tuyên Quang cho hay.

Trước đây, chị Mến từng làm công nhân ở quê, song quãng đường từ nhà đến công ty 15 km, lương cơ bản chỉ 3,7 triệu đồng/tháng, thu nhập thấp so với công sức bỏ ra, chị mới quyết định xuống Hà Nội tìm kiếm công việc khác.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn