MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về tăng cường đối thoại xã hội nhằm bảo vệ người lao động và doanh nghiệp trong thời kỳ COVID-19. Ảnh: Hải Nguyễn

Tăng cường đối thoại để bảo vệ người lao động và doanh nghiệp

Kiều Vũ - Hải Nguyễn LDO | 17/12/2021 16:48

Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về tăng cường đối thoại để bảo vệ người lao động và doanh nghiệp trong thời kỳ COVID-19 là chủ đề Hội thảo do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (LĐLĐVN) và Chương trình Đối thoại tại nơi làm việc của Thuỵ Điển (SWP) phối hợp tổ chức, diễn ra ngày 17.12.

Hội thảo có sự tham dự của các ông, bà Nguyễn Đức Thịnh - Phó Trưởng ban phụ trách Ban Đối ngoại Tổng LĐLĐVN; Mats Svensson - Thư ký phụ trách đối ngoại, Công đoàn Kim khí Thụy Điển; Evalena Persson - Giám đốc SWP.

Các nội dung được chia sẻ tại hội thảo gồm: Tác động của COVID-19 tới việc làm và đời sống của người lao động Việt Nam; Hoạt động của Công đoàn Việt Nam nhằm bảo vệ và hỗ trợ đoàn viên và người lao động trong đại dịch COVID-19; Kinh nghiệm của Công đoàn Thụy Điển trong đối thoại xã hội nhằm bảo vệ quyền và lợi ích của người lao động trong thời kỳ COVID-19.

Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến lực lượng công nhân lao động trên phạm vi rộng từ đầu năm 2020 đến nay, Tổng LĐLĐVN đã chủ động, sáng tạo, điều chỉnh linh hoạt các hoạt động nhằm thích ứng với bối cảnh dịch bệnh, tập trung làm tốt công tác phòng chống dịch, tích cực đối thoại, thương lượng với người sử dụng lao động để đảm bảo việc làm, thu nhập của người lao động.

Ở cấp Trung ương, Tổng Liên đoàn đã tích cực đối thoại với người sử dụng lao động, đồng thời kiến nghị, đề xuất với Chính phủ một số chính sách hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng do dịch bệnh. Quan trọng nhất, với tinh thần trách nhiệm cao với đoàn viên, người lao động, Tổng Liên đoàn đã chủ động, kịp thời ban hành các chính sách, các gói hỗ trợ đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh với hơn 3 triệu lượt đoàn viên, người lao động được thụ hưởng với tổng số tiền khoảng 6.000 tỉ đồng (khoảng 230 triệu Euro); ban hành chính sách lùi thời điểm đóng kinh phí Công đoàn cho các doanh nghiệp, chính sách miễn đóng đoàn phí cho đoàn viên có thu nhập thấp…

Trao đổi tại hội thảo, ông Mats Svensson cho biết, Thuỵ Điển có truyền thống về quan hệ lao động và cơ chế đối thoại rất tốt. Trong dịch COVID-19, Công đoàn và người sử dụng lao động cùng nhau tuyên truyền cho người lao động trong phòng, chống dịch; hướng dẫn cụ thể trong trường hợp phải làm việc trực tuyến; tổ chức địa điểm làm việc rộng hơn. Các cuộc họp của Công đoàn nếu làm được trực tuyến thì sẽ làm trực tuyến.

Đối với hoạt động của căng tin được chia thành từng ca nhỏ để hạn chế đông người; hạn chế người lao động phải tiếp xúc trực tiếp với người khác trong giờ làm việc vì có những người bên ngoài vào liên hệ công việc. Hệ thống thông gió ở nơi làm việc cũng được vận hành, nâng cấp thường xuyên; tiêm vaccine ngay tại nơi làm việc cũng được thúc đẩy…

Ông Mats Svensso cũng nhấn mạnh, để đối thoại hiệu quả cần có một số yếu tố, trong đó phải có đối tác xã hội mạnh, quyền gia nhập tổ chức Công đoàn cần được tôn trọng…

Theo ông Nguyễn Đức Thịnh, đây là chủ đề hết sức có ý nghĩa đối với hoạt động của tổ chức Công đoàn trong giai đoạn hiện nay khi đại dịch COVID-19 đang diễn biến ngày càng phức tạp và lan rộng không chỉ ở Việt Nam mà còn ở nhiều nơi trên thế giới. Với chủ đề chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về tăng cường đối thoại xã hội nhằm bảo vệ quyền và lợi ích của người lao động trong thời kỳ COVID-19, hội thảo là cơ hội tốt để chia sẻ, trao đổi thông tin với các bạn quốc tế về thực tế triển khai các hoạt động bảo vệ chăm lo cho đoàn viên, người lao động trong bối cảnh đại dịch, đồng thời học hỏi các kinh nghiệm về đối thoại xã hội trong thời kỳ COVID-19 do các chuyên gia quốc tế đến từ Tổng Công đoàn Thụy Điển và Công đoàn Kim khí Thụy Điển trình bày. Để từ đó có thể áp dụng, nâng cao hiệu quả hoạt động tại các Công đoàn ngành, mang lại nhiều điều kiện, quyền lợi tốt hơn cho đoàn viên, người lao động, góp phần thúc đẩy mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong bối cảnh mới.

Chương trình Đối thoại tại nơi làm việc của Thuỵ Điển tạo điều kiện thuận lợi cho đối thoại giữa cấp quản lý và nhân viên trong Uỷ ban tại nơi làm việc để tìm ra các giải pháp chung cho những thách thức cụ thể của công ty và tạo ra sự thay đổi bền vững.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn