MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đa số các cơ sở quan tâm, cải thiện điều kiện làm việc nhưng nhiều người lao động không tuân thủ thực hiện các biện pháp an toàn lao động. Ảnh minh họa: Bảo Hân

Tăng cường giám sát, đảm bảo điều kiện làm việc cho lao động dệt may

Bảo Hân LDO | 28/03/2023 10:32

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Anh Thơ - Viện trưởng Viện Khoa học An toàn và Vệ sinh lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) - cho rằng, công đoàn các cấp cần tăng cường giám sát, thương lượng để người lao động ngành dệt may nhận được sự quan tâm cũng như được triển khai đầy đủ các quy định của pháp luật đảm bảo sức khoẻ, an toàn, cải thiện điều kiện làm việc. 

10/10 cơ sở đều có yếu tố vật lý không đạt

PGS.TS Lê Minh Đức - Phân Viện trưởng Phân viện Khoa học An toàn Vệ sinh lao động và Bảo vệ môi trường miền Trung - cho biết, vừa qua, phân viện đã tiến hành khảo sát, quan trắc về điều kiện môi trường lao động tại 10 cơ sở dệt may ở miền Trung. 

Tại các cơ sở dệt, hoàn thiện là công đoạn có nhiều yếu tố có thể gây ra tai nạn lao động và ảnh hưởng sức khỏe người lao động như giật điện, hóa chất, môi trường ẩm ướt, trơn trượt, nhiệt độ cao... Tại công đoạn dệt, người lao động thường xuyên tiếp xúc với tiếng ồn, bụi; làm việc trong tư thế đứng và phải tập trung quan sát, xử lý các sự cố đứt sợi.

Còn tại cơ sở may, tư thế làm việc thường xuyên ngồi, đứng, khom người là đặc trưng của công đoạn may, cắt, ủi; lâu dài có thể gây bệnh lý về cơ, xương, khớp cho người lao động. Đối với nguy cơ gây tai nạn chủ yếu là vật sắc nhọn (kim may, kéo cắt, máy cắt...), hiện nay đa số các cơ sở đều có biện pháp phòng ngừa (che chắn kim, găng tay sắt...), nhưng nhiều người lao động không tuân thủ thực hiện. 

Bên cạnh đó, khảo sát cho thấy, theo quy chuẩn về môi trường lao động của Bộ Y tế thì 10/10 cơ sở được khảo sát và quan trắc đều có yếu tố vật lý không đạt. Cụ thể, các yếu tố phụ thuộc vào điều kiện thời tiết như nhiệt độ, độ ẩm và tốc độ gió là các chỉ tiêu thường có vị trí không đạt chuẩn. Các yếu tố này rất khó kiểm soát tại các cở sở dệt may. Các khu vực sản xuất rộng, tập trung đông người thường không có bao che riêng từng khu vực nên các yếu tố như nhiệt độ, độ ẩm, tốc độ gió thường giống nhau.

Ngoài ra, do đặc điểm khí hậu ở khu vực miền Trung, yếu tố độ ẩm rất nhạy và thay đổi khá nhiều, thậm chí theo từng ngày. Yếu tố ánh sáng cũng chưa được quan tâm đúng mức.

Cần chú trọng đầu tư về nhà xưởng 

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Anh Thơ - Viện trưởng Viện Khoa học An toàn và Vệ sinh lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) - nói rằng, để đảm bảo tốt hơn điều kiện môi trường lao động, các doanh nghiệp ngành dệt may cần chú trọng đầu tư về nhà xưởng.

“Với ngành dệt may, các tiêu chuẩn an toàn trong thiết kế nhà xưởng cần chú ý và duy trì tốt, đặc biệt là về nhiệt độ, an toàn điện, chiếu sáng thông gió… Phải chú ý đến đặc thù khí hậu, nhất là khu vực thường xuyên nắng nóng” - ông Anh Thơ cho hay. 

Ngoài ra, cần phải phân loại lao động để bố trí công việc phù hợp, có thể làm thêm nhưng không được quá dài. Hiện nay, nhiều lao động nữ nông thôn ở nhóm sức khoẻ không được tốt, nên nếu kéo dài thời gian làm thêm, chế độ dinh dưỡng không tốt thì sẽ dễ xảy ra tai nạn lao động hoặc suy giảm sức khoẻ cấp tính (như tim mạch, suy nhược cơ thể…).

Không chỉ vậy, người lao động cần được khám sức khoẻ định kỳ. Những người lao động tiếp xúc với yếu tố nguy hiểm, độc hại hoặc có nguy cơ mắc bệnh cơ, xương, khớp thì phải đi khám sức khoẻ nghề nghiệp ở những nơi đủ điều kiện. 

“Cán bộ công đoàn các cấp cần quan tâm tăng cường kiểm tra, giám sát, vận động, thương lượng, đấu tranh để người lao động nhận được sự quan tâm cũng như được triển khai đầy đủ các quy định của pháp luật đảm bảo sức khoẻ, an toàn, cải thiện điều kiện làm việc” - ông Nguyễn Anh Thơ nói.  

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn