MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Công nhân mua hoa quả tại cổng chợ Mun (xã Kim Chung, huyện Đông Anh, Hà Nội) sau giờ làm. Ảnh: Quế Chi

Tăng cường giám sát khi nâng giới hạn số giờ làm thêm

THƯ HÂN LDO | 28/03/2022 09:07
Tăng thời gian làm thêm lên không quá 60 giờ/tháng giúp doanh nghiệp chủ động trong việc xây dựng kế hoạch sản xuất, ứng phó với sự thay đổi của thị trường. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng cần tăng cường giám sát việc thực thi, nếu không làm tốt công tác này thì về lâu dài có thể làm bào mòn sức khỏe của người lao động.

Làm thêm mới có thêm thu nhập

Chị Nguyễn Thị D. - công nhân khu công nghiệp Đình Trám, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang - rất mong được làm thêm để trang trải cho cuộc sống cũng như dành dụm một phần cho cuộc sống sau này.

Làm công nhân 2 năm nay, lương cơ bản của chị D. là 4,3 triệu đồng; thêm phụ cấp, thu nhập của chị chỉ khoảng 5-6 triệu đồng/tháng. Nếu đi làm thêm các ngày trong tuần, không làm Chủ nhật thì được 8 triệu đồng/tháng; làm thêm các ngày trong tuần và cả Chủ nhật, được 11-12 triệu đồng/tháng.

Hiện, cứ sau một tháng chị D. làm ban ngày là một tháng làm ban đêm. Ca ngày, chị làm việc từ 8 giờ sáng đến 20 giờ (gồm thời gian làm việc bình thường và 4 giờ làm thêm). Ca đêm, chị ở công ty từ 20 giờ đến 8 giờ sáng hôm sau. 

“Nếu không làm thêm tôi sẽ chỉ có thể gửi ít tiền về nuôi con và không có dành dụm. Ngoài ra, đã chấp nhận xa nhà, xa chồng con để đi kiếm sống thì tôi mong được nhận số tiền cao hơn” - chị D. tâm sự. Nếu có làm thêm, một tháng chị D. gửi về quê nhiều hơn và để dành được 3-4 triệu đồng.

Bà Lê Thị Xuyên - Chủ tịch công đoàn cơ sở Công ty JNTC (tỉnh Phú Thọ) cho biết, hiện nhiều người lao đang rất mong muốn làm thêm giờ, đặc biệt là trong thời điểm tác động của dịch COVID-19. Nếu làm thêm, công nhân có thu nhập tới 8 triệu đồng/tháng; không làm thêm thì chỉ dao động khoảng 5-6 triệu đồng/tháng. 

Theo bà Xuyên, công ty huy động làm thêm đều có sự đăng ký tự nguyện của công nhân, không ép buộc. “Khi thời giờ làm thêm vượt quá thời gian quy định và người lao động bị ép, Công đoàn cơ sở sẽ có ý kiến. Tuy nhiên, nguyện vọng của người lao động là vẫn mong muốn làm thêm giờ. Những tháng nào có làm thêm giờ thì người lao động rất mừng bởi vì lúc đấy thu nhập của họ cao lên” - bà Xuyên chia sẻ. 

Tăng cường giám sát

“Công đoàn cơ sở công ty vẫn tiếp tục giám sát về vấn đề làm thêm. Nếu xảy ra tình huống công ty không đảm bảo sức khoẻ, chế độ cho của người lao động khi tổ chức làm thêm thì Công đoàn cơ sở sẽ có ý kiến với công ty hoặc có phương án để hỗ trợ người lao động” - bà Xuyên nói. 

Trao đổi về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Lan Hương - nguyên Viện trưởng Viện Khoa học - Lao động và Xã hội cho hay, do ảnh hưởng dịch bệnh nên doanh nghiệp rất cần lao động, việc kéo dài giờ làm thêm cũng là một giải pháp. Bên cạnh đó, việc nâng giờ làm thêm chỉ giải pháp tạm thời, bởi xu thế chung phải tăng năng suất lao động và giảm giờ làm.

Theo chuyên gia này, cần có quy định cụ thể về thời giờ tăng ca, mỗi tháng được tăng ca tối đa 60 giờ nhưng tăng ca vào giờ nào trong ngày. Cần hạn chế tăng ca nhiều vào ban đêm vì nó sẽ khiến lao động bị ảnh hưởng đến sức khoẻ.

Về lâu dài, bà Hương cho rằng cần gia tăng điều kiện khuyến khích hoặc ràng buộc để doanh nghiệp đổi mới công nghệ sản xuất, giảm sự phụ thuộc của con người từ đó tiết kiệm sức lao động cho công nhân. Như vậy, nếu có tăng giờ làm thêm, lao động cũng được bảo vệ sức khỏe, không phải làm việc quá sức.

Còn theo ông Bùi Sỹ Lợi - nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Xã hội Quốc hội cho rằng trong bối cảnh hiện nay, việc nới giới hạn giờ làm thêm giúp doanh nghiệp phục hồi sản xuất sau nhiều năm ảnh hưởng của dịch bệnh. Tuy nhiên, các đơn vị có liên quan nên tăng cường giám sát việc thực thi. Bản chất làm thêm giờ là kéo dài thời gian lao động. Điều này có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của công nhân. Vì thế nên có chế tài giám sát kiểm tra thực hiện, đồng thời khuyến khích doanh nghiệp tăng cường thêm chế độ tiền lương cho lao động.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn