MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đoàn công tác của Tổng LĐLĐVN do Phó Chủ tịch Thường trực Trần Thanh Hải (thứ ba từ trái sang) làm trưởng đoàn tham dự các hoạt động tại Hội nghị Lao động Quốc tế lần thứ 106. ảnh: H.T.T

Tăng cường hợp tác để phối hợp hỗ trợ và bảo vệ người lao động Việt Nam

Hoàng Thị Thanh (từ Geneva, Thuỵ Sĩ) LDO | 14/06/2017 06:25
Hội nghị được tổ chức từ ngày 5-16.6.2017 tại Geneva (Thụy Sĩ) với sự tham dự của đoàn công tác của Việt Nam gồm Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Tổng LĐLĐVN, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam. Đoàn đại biểu của Tổng LĐLĐVN do Phó Chủ tịch Thường trực Trần Thanh Hải làm trưởng đoàn, tham dự các hoạt động từ ngày 12-16.6.

Tại hội nghị, đoàn công tác của Việt Nam đã có cuộc gặp với Tổng Giám đốc Tổ chức Lao động Quốc tế ILO - ông Guy Rider. Tại cuộc gặp, đoàn Việt Nam đã trao đổi về tình hình lao động, việc làm, tác động của biến đổi khí hậu và cách mạng khoa học kỹ thuật lần thứ 4 tới người lao động Việt Nam. Đoàn cảm ơn sự hỗ trợ của ILO cho Việt Nam trong thời gian qua. Ông Guy Rider cảm ơn đoàn Việt Nam đã đến dự Hội nghị Lao động Quốc tế (ILC) và ghi nhận những thành tựu về quan hệ lao động mà Việt Nam đã đạt được.

Sáng 13.6, Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐVN Trần Thanh Hải dự và phát biểu trong phiên toàn thể. Tại đây, Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐVN đã thể hiện sự nhất trí cao với các báo cáo của Chủ tịch Hội đồng Quản trị, của Tổng Giám đốc Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) về biến đổi khí hậu và sáng kiến xanh tại hội nghị lần này, đồng thời khẳng định Việt Nam là một quốc gia đang phát triển, tăng trưởng xanh và đảm bảo di cư lao động an toàn là những chính sách quan trọng nhằm đạt được mục tiêu phát triển kinh tế và việc làm bền vững cho toàn bộ người dân.

Trong chương trình nghị sự của hội nghị cũng đề cập tới lao động di cư. Về vấn đề này, Phó Chủ tịch Trần Thanh Hải cho biết bình quân mỗi năm, có khoảng 80.000 - 90.000 người lao động Việt Nam đi làm việc và thực tập ở nước ngoài. Số lao động này đã tự đảm bảo cuộc sống cho bản thân họ, gia đình họ và góp phần vào xây dựng đất nước. Tuy nhiên, không ít người lao động Việt Nam phải trả chi phí cao, bị đưa đi làm việc ở nước ngoài bất hợp pháp, bị người sử dụng lao động nước sở tại xâm hại quyền lợi.

Để góp phần bảo vệ người lao động Việt Nam tại nước ngoài, Tổng LĐLĐVN tích cực tham gia xây dựng chính sách pháp luật để tạo hành lang pháp lý tốt hơn cho lao động di cư và tăng cường hợp tác với tổ chức công đoàn ở những nước tiếp nhận để phối hợp hỗ trợ và bảo vệ lao động Việt Nam. Cùng ngày 13.6.2017, đoàn dự hội nghị của Liên hiệp Công đoàn Thế giới (WFTU) về chủ đề “Nhập cư và tỵ nạn vì lý do kinh tế”.

Ngoài chương trình chính thức, Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐVN Trần Thanh Hải còn có các cuộc làm việc với Tổng Thư ký Liên hiệp Công đoàn Thế giới (WFTU), Giám đốc Ban Công nhân ILO (ACTRAV), Thư ký khu vực của Tổng Công đoàn quốc tế (ITUC-AP) và trao đổi song phương với lãnh đạo của Hội đồng Công đoàn Úc (ACTU), Đại hội Công đoàn Singapore (SNTUC), Liên hiệp Công đoàn Lào (LFTU), Liên hiệp Công đoàn Belarus, Trung tâm Những người lao động Cuba (CTC), Tổng Công đoàn Thụy Điển (LO Sweden), Tổng Công hội Trung Quốc (ACFTU), Trung ương Công đoàn Mỹ (AFL-CIO).

Trong các ngày 15-16.6, đoàn công tác của Việt Nam sẽ dự đối thoại lao động với các đối tác của Thụy Sĩ. Chương trình làm việc của đoàn công tác sẽ kết thúc vào ngày 16.6.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn