MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Giữ chân người lao động yên tâm làm việc, sẵn sàng bứt tốc dịp cuối năm. Ảnh: Hải Nguyễn

Tăng cường kết nối tuyển dụng, sẵn sàng tăng tốc dịp cuối năm

VƯƠNG TRẦN LDO | 17/08/2023 12:30

Khi bối cảnh kinh tế khó khăn trong nửa đầu năm 2023, nhiều đơn vị đã phải giãn, hoãn việc làm, thu nhập của người lao động có phần bị ảnh hưởng. Trong giai đoạn cuối năm, song song với việc nỗ lực tìm kiếm đơn hàng mới, nhiều doanh nghiệp chọn giải pháp giữ chân người lao động, sẵn sàng tăng tốc để hoàn thành kế hoạch năm.

Đảm bảo nguồn lực cho hoạt động sản xuất

Trong 6 tháng đầu năm 2023, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Thanh Hóa đã tiếp nhận và giải quyết hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp cho 13.345 lao động (tăng 18,4% so với cùng kỳ năm 2022). Một số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh thực hiện cắt giảm lao động do không có đơn hàng.

Người lao động thất nghiệp phần lớn là lao động phổ thông, không có trình độ chuyên môn kỹ thuật hoặc trình độ thấp; chủ yếu làm việc tại các doanh nghiệp tư nhân hoặc có vốn đầu tư nước ngoài, đa số đã từng làm việc trong lĩnh vực dệt may, da giày, điện tử, chế biến gỗ…

Tình hình doanh nghiệp thiếu đơn hàng cũng diễn ra ở nhiều địa phương, nhiều doanh nghiệp trong nửa đầu năm 2023. Ông Cao Hữu Hiếu - Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) - cho biết, trong giai đoạn cuối năm 2022, đầu năm 2023, do ảnh hưởng tổng cầu chung từ thị trường thế giới, ngành dệt may gặp nhiều khó khăn, đơn hàng rất nhỏ lẻ, manh mún.

Về giải pháp ổn định tình hình lao động, việc làm trong thời gian tới, Đại biểu Quốc hội Võ Mạnh Sơn (Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Thanh Hoá) cho biết, Công đoàn sẽ tiếp tục phối hợp với doanh nghiệp xây dựng phương án bố trí lao động phù hợp, nhằm giữ chân được người lao động, hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng cắt giảm lao động.

Tăng cường kết nối thị trường lao động

Ông Võ Mạnh Sơn cũng cho biết, LĐLĐ tỉnh Thanh Hoá sẽ chỉ đạo Công đoàn các cấp phối hợp, hỗ trợ, hướng dẫn đối với các doanh nghiệp gặp khó khăn, nhanh chóng ổn định hoạt động sản xuất; giám sát doanh nghiệp việc thực hiện đầy đủ các cam kết với người lao động; có giải pháp giải quyết kịp thời những nguyện vọng chính đáng của người lao động. Phối hợp, kết nối với các doanh nghiệp hỗ trợ người lao động tìm việc làm mới, sớm ổn định việc làm, đời sống.

Ông Sơn cũng đề nghị Sở LĐTBXH tỉnh tiếp tục phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương tăng cường hỗ trợ, giới thiệu, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, tổ chức đủ điều kiện đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài về phối hợp, tuyển chọn lao động trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố.

Cũng theo các chuyên gia về lao động - việc làm, trong bối cảnh khó khăn, việc tăng cường các hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm, thông tin thị trường lao động; hướng dẫn, tiếp nhận hồ sơ của người lao động bị thất nghiệp, giải quyết kịp thời chế độ quyền lợi cho người lao động; đẩy mạnh các hoạt động kết nối cung - cầu lao động (sàn giao dịch việc làm, ngày hội việc làm…) là những giải pháp rất quan trọng. Cùng với đó, cần tăng cường các biện pháp xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong doanh nghiệp; hỗ trợ các bên đối thoại, giải quyết các vấn đề phát sinh trong quan hệ lao động.

Phiên giao dịch việc làm kết nối 13 tỉnh, chỉ tiêu tuyển dụng 34.000 người

Ngày 10.8 vừa qua, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội đã tổ chức phiên giao dịch việc làm trực tuyến kết nối 13 tỉnh, thành phố phía Bắc. Chương trình nhằm hỗ trợ doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động phù hợp; người lao động tìm kiếm việc làm với tổng chỉ tiêu tuyển dụng khoảng 34.000 người. Phiên giao dịch việc làm được tổ chức nhằm hỗ trợ và phát triển thị trường lao động, giải quyết việc làm cho người lao động trên địa bàn của 13 tỉnh, thành phố. Sự kiện thu hút 191 đơn vị tham gia với tổng chỉ tiêu tuyển dụng đạt con số 34.177 người.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn