MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Lãnh đạo Tòa án nhân dân Tối cao và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam ký chương trình phối hợp giữa hai bên. Ảnh: Quế Chi

Tăng cường năng lực cho đội ngũ cán bộ công đoàn, công chức Tòa án các cấp

Quế Chi LDO | 23/06/2023 19:06
Tăng cường năng lực cho đội ngũ cán bộ công đoàn, công chức Tòa án các cấp góp phần bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, tổ chức công đoàn trong thủ tục tố tụng tại Tòa án…

Đây là một trong những mục đích của Chương trình phối hợp giữa Tòa án Nhân dân Tối cao và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam giai đoạn 2023-2028.  

Buổi lễ ký kết chương trình phối hợp diễn ra chiều 23.6 dưới sự chủ trì của ông Nguyễn Hòa Bình - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao và ông Nguyễn Đình Khang - Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.  

Toàn cảnh lễ ký kết. Ảnh: Quế Chi 

Mục đích của chương trình phối hợp nhằm củng cố, tăng cường quan hệ phối hợp giữa Tòa án nhân dân tối cao và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị theo chức năng, nhiệm vụ của mỗi cơ quan phù hợp với quy định của Hiến pháp và pháp luật; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của mỗi cơ quan; tăng cường năng lực cho đội ngũ cán bộ công đoàn, công chức Tòa án các cấp góp phần bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, tổ chức công đoàn trong thủ tục tố tụng tại Tòa án; thiết lập cơ chế trao đổi thông tin thường xuyên, định kỳ giữa hai bên.

Một trong bốn nội dung phối hợp giữa hai bên là công tác đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn. Theo đó, hai bên phối hợp tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn nhằm cập nhật, phổ biến pháp luật về lao động, công đoàn để nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ công đoàn và công chức Tòa án các cấp; tổ chức các khóa bồi dưỡng, nâng cao năng lực, trình độ cho đội ngũ Hội thẩm nhân dân là cán bộ công đoàn các cấp.

Ngoài ra, đào tạo cán bộ công đoàn tham gia làm Hòa giải viên theo quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án; lựa chọn cán bộ, công chức, đoàn viên công đoàn có năng lực, kinh nghiệm thực tiễn tham gia giảng dạy, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm công tác tại các cơ sở đào tạo của hai bên… 

Hai bên còn phối hợp trong công tác xây dựng, hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật; công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; công tác trao đổi, cung cấp thông tin.  

Phát biểu tại lễ ký kết, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang nhấn mạnh, một trong những nội dung trọng tâm của nhiệm kỳ tới được xác định trong văn kiện đại hội công đoàn các cấp là tập trung thực hiện nhiệm vụ vai trò đại diện bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của người lao động; bảo vệ người lao động tại tòa án theo quy định của pháp luật. Cùng với đó là việc nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa công đoàn với cơ quan trung ương, các ban, bộ, ngành nhằm phát huy các nguồn lực để thực hiện tốt nhất nhiệm vụ đại diện, bảo vệ người lao động.  

  Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang phát biểu tại lễ ký kết. Ảnh: Quế Chi 

Theo Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, chương trình phối hợp được kỳ vọng sẽ góp phần hiện thực hoá các mục tiêu nói trên. Ông Nguyễn Đình Khang tin tưởng chương trình sẽ được các cấp Công đoàn và tòa án nhân dân các cấp đón nhận, triển khai có hiệu quả; xây dựng kế hoạch chương trình công tác năm để cụ thể hoá chương trình phối hợp…  

Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết, chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho đoàn viên công đoàn và người lao động là nhiệm vụ của tổ chức công đoàn và cũng là của ngành toà án. Chương trình phối hợp giữa hai bên thời gian qua đã khẳng định đóng góp của công đoàn cũng như ngành toà án trong bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động. 

  Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình phát biểu tại lễ ký kết. Ảnh: Quế Chi 

Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao nhấn mạnh, chương trình phối hợp trong thời gian tới mang rất nhiều ý nghĩa, hướng tới mục tiêu nâng cao hiệu quả bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của người lao động.

“Thước đo cho sự thành công của chương trình phải là bảo vệ hiệu quả quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của người lao động” – ông Nguyễn Hòa Bình bày tỏ và tin tưởng chương trình sẽ giúp tăng cường hiệu quả hoạt động này, giúp nâng cao uy tín của Công đoàn Việt Nam, góp phần quan trọng trong việc thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị về xây dựng giai cấp Công nhân Việt Nam trong giai đoạn mới. 

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm. Ảnh: Quế Chi 

Báo cáo kết quả Chương trình phối hợp công tác số 431/CTPH-TANDTC-TLĐLĐVN ngày 30.3.2016 giữa Tòa án nhân dân Tối cao và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam giai đoạn 2016-2020, ông Phan Văn Anh – Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam – cho biết, trong thời gian qua, các cấp Tòa án và Công đoàn hai bên đã phối hợp chặt chẽ, triển khai hiệu quả các hoạt động. Hai bên đã phối hợp tham gia ý kiến, đề xuất, xây dựng, sửa đổi nhiều văn bản, tài liệu nghiệp vụ. Trong thời gian từ 2016 đến hết tháng 6.2022, các cấp Tòa án đã thụ lý 25.982 vụ án tranh chấp lao động, trong đó có 23.763 vụ án cấp sơ thẩm, 2.112 vụ án cấp phúc thẩm và 107 vụ án giám đốc thẩm. 

Dịp này, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trao Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp xây dựng tổ chức Công đoàn” cho 5 lãnh đạo, cán bộ thuộc Tòa án nhân dân Tối cao; Tòa án nhân dân Tối cao trao tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Tòa án” cho 5 lãnh đạo, cán bộ thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn