MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Để người lao động thực hiện tốt hơn quyền CĐ của mình, tổ chức CĐ cần nâng cao năng lực và vai trò, trách nhiệm của mình. Trong ảnh là các nữ công nhân đang làm việc tại một Cty may mặc. Ảnh: QUẾ CHI

Tăng cường thực thi quyền công đoàn của NLĐ

QUẾ CHI LDO | 26/12/2017 11:00

Mặc dù Việt Nam đã có cơ sở pháp lý đảm bảo thực thi quyền thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn (CĐ), cũng như quyền này đã và đang được thực thi ở Việt Nam, nhưng trong thực tế, nhiều NLĐ vẫn chưa biết, chưa hiểu về quyền quan trọng này; đồng thời cách hiểu, áp dụng, thực hiện, tổ chức... nhiều khi còn khác nhau. Đó là nhận định của ông Trần Văn Thuật - Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN, Chủ tịch Hội đồng khoa học Tổng LĐLĐVN.

Nhiều người lao động chưa nắm rõ

Theo ThS Nguyễn Mạnh Thắng - Trưởng phòng Quản lý và thông tin khoa học, Viện Công nhân - Công đoàn, Phó Chủ nhiệm đề tài “Quyền thành lập, gia nhập và hoạt động CĐ của NLĐ trong các DN ở Việt Nam” - nhóm nghiên cứu đã tiến hành khảo sát 1.500 phiếu tại 42 DN của 7 tỉnh, thành phố (6 DN/tỉnh, thành phố, trong đó 4 DN đã có CĐCS và 2 DN chưa có CĐCS).

Kết quả khảo sát của nhóm nghiên cứu cho thấy 50,6% số NLĐ hiểu được quyền được tham gia thành lập CĐCS; 78,8% hiểu về quyền được CĐ bảo vệ lợi ích hợp pháp, chính đáng bị xâm phạm; 47,3% hiểu được quyền được tham gia đình công khi nhu cầu chính đáng không được thoả mãn; 53,7% hiểu được quyền được thông tin, thảo luận, đề xuất và biểu quyết công việc của CĐ; 54,3% hiểu được quyền được ứng cử, đề cử và bầu cử cơ quan lãnh đạo CĐ; 56,8% hiểu được quyền được CĐ hướng dẫn, tư vấn, trợ giúp pháp lý và 41,9% hiểu được quyền được CĐ hướng dẫn, giúp đỡ học nghề, tìm việc làm.

Vẫn theo kết quả khảo sát, phần lớn NLĐ được khảo sát chưa biết các cách hay hình thức thành lập, gia nhập và hoạt động CĐ. Cụ thể, có 31,4% số NLĐ cho rằng NLĐ tổ chức ban vận động thành lập CĐCS; 44,2% số NLĐ cho rằng có đơn xin gia nhập CĐ; 27,4% số NLĐ cho rằng tổ chức hội nghị thành lập CĐCS; 39,8% cho rằng CĐ cấp trên cơ sở ra quyết định công nhận đoàn viên và CĐCS.

PGS-TS Nguyễn An Ninh - Viện trưởng Viện Chủ nghĩa Xã hội Khoa học - nhận định, bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện quyền CĐ của NLĐ trong các DN ở Việt Nam hiện nay vẫn còn nhiều khó khăn và rào cản từ các chủ thể như người sử dụng lao động, NLĐ, thậm chí cả một số cán bộ CĐ còn có nhận thức chưa đầy đủ về vấn đề này.

Phải để người lao động nhìn rõ được lợi ích

Theo Chủ tịch CĐCS Cty cổ phần Nam Tiệp (tỉnh Nam Định) Nguyễn Quốc Hoạt, để tăng cường thực thi quyền CĐ của NLĐ, bên cạnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền để NLĐ hiểu rõ về lợi ích khi tham gia tổ chức CĐ thì cần có những hoạt động để NLĐ hiểu được, nhìn thấy được lợi ích cụ thể về vật chất và tinh thần khi tham gia CĐ và rộng hơn là thực thi quyền CĐ của mình. Chủ tịch CĐCS Cty cổ phần Nam Tiệp nêu ví dụ, CĐCS cần thăm hỏi kịp thời khi NLĐ bị ốm đau hay gia đình NLĐ có hiếu hỉ; hỗ trợ những NLĐ có hoàn cảnh khó khăn; phối hợp cùng chuyên môn đưa ra những chế độ chính sách khuyến khích NLĐ gắn bó với Cty, quan tâm đến đời sống của họ; tổ chức các phong trào thi đua thiết thực.

Còn theo ThS Vũ Anh Đức - Trưởng ban Tổ chức Tổng LĐLĐVN, Chủ nhiệm đề tài, để thực hiện tốt hơn quyền CĐ của NLĐ, trong thời gian tới, cần thực hiện tốt 3 nhóm giải pháp: Nhóm giải pháp về nâng cao nhận thức của NLĐ và người sử dụng lao động về quyền thành lập, gia nhập và hoạt động CĐ; nhóm giải pháp nâng cao năng lực và vai trò, trách nhiệm của CĐ để thực hiện quyền thành lập, gia nhập, hoạt động CĐ; nhóm giải pháp về tuyên truyền và hoàn thiện chính sách, pháp luật về quyền thành lập, gia nhập và hoạt động CĐ của NLĐ.

Sáng 25.12, Hội đồng khoa học Tổng LĐLĐVN tổ chức nghiệm thu đề tài khoa học “Quyền thành lập, gia nhập và hoạt động CĐ của NLĐ trong các DN ở Việt Nam”. Ông Trần Văn Thuật - Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN, Chủ tịch Hội đồng khoa học - chủ trì. Đây là đề tài cấp Tổng LĐLĐVN đầu tiên nghiên cứu về vấn đề này. Chủ nhiệm đề tài là ThS Vũ Anh Đức - Trưởng ban Tổ chức Tổng LĐLĐVN. Tại buổi nghiệm thu, các ý kiến khẳng định sự đúng đắn, cần thiết của đề tài cả về lý luận và thực tiễn. Đề tài đã được Hội đồng Khoa học nghiệm thu. Q.Chi

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn