MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ông Nguyễn Minh Dũng - Phó Trưởng Ban Tài chính Tổng LĐLĐVN - trao đổi với phóng viên Báo Lao Động. Ảnh: Việt Lâm

Tăng dần nguồn tài chính cho công đoàn cấp dưới

Việt Lâm (thực hiện) LDO | 28/11/2023 11:30

Nhiệm kỳ 2018-2023, căn cứ các quy định của Nhà nước, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (LĐLĐVN) đã kịp thời sửa đổi, bổ sung các quy định về quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công đoàn… trong đó tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm, hoạt động mang lại quyền lợi thiết thực cho đoàn viên, người lao động.

Trao đổi với phóng viên Báo Lao Động, ông Nguyễn Minh Dũng - Ủy viên Ban Chấp hành Tổng LĐLĐVN, Phó Trưởng ban Tài chính Tổng LĐLĐVN cho biết:

- Nhiệm kỳ 2018-2023, các cấp công đoàn đã chủ động từng bước đổi mới công tác tài chính theo hướng hiệu quả, minh bạch và phù hợp với quy định của pháp luật.

Tổng LĐLĐVN đã ban hành nhiều văn bản trong lĩnh vực tài chính, đặc biệt là chế độ kế toán hành chính, sự nghiệp áp dụng cho các cấp công đoàn và triển khai mới hệ thống phần mềm kế toán công đoàn trên toàn quốc. Đến nay 100% công đoàn cấp trên cơ sở và trên 85% CĐCS áp dụng phần mềm kế toán công đoàn mới.

Tổng LĐLĐVN đã đẩy mạnh nhiều giải pháp quản lý thu kinh phí công đoàn hiệu quả, tỉ trọng thu đoàn phí công đoàn có chuyển biến tích cực; ban hành nhiều văn bản quy định, hướng dẫn về công tác quản lý tài chính, tài sản công đoàn, chế độ kế toán mới. Thực hiện quy chế phối hợp thu kinh phí công đoàn qua một tài khoản tại các ngân hàng VietinBank, Agribank, BIDV, tạo nhiều tiện lợi cho doanh nghiệp, công đoàn cơ sở.

Trong thời gian qua, hoạt động công đoàn tập trung hướng về cơ sở. Hiện nay, Tổng LĐLĐVN đã phân bổ nguồn tài chính về cấp cơ sở như thế nào, thưa ông?

- Việc phân phối và sử dụng nguồn tài chính công đoàn được thực hiện minh bạch, theo hướng tăng dần cho công đoàn cấp dưới, đặc biệt là công đoàn cơ sở. Chi tại cấp công đoàn cơ sở, công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở chiếm tỉ trọng bình quân trên 90% tổng chi hàng năm của các cấp công đoàn (CĐCS: 75,37%, cấp trên cơ sở: 14,74%; LĐLĐ tỉnh, thành, ngành: 9,39%; Tổng LĐLĐVN và các đơn vị trực thuộc: 0,5%). Trong đó, chi hoạt động phong trào chiếm tỉ trọng bình quân 76,9% trong tổng chi công đoàn, tăng bình quân 15%/năm.

Dự toán chi tài chính công đoàn giao từ năm 2022 đã nâng tỉ lệ kinh phí công đoàn cơ sở được sử dụng lên đến 75% tổng số thu kinh phí công đoàn, vượt trước 3 năm theo tinh thần Nghị quyết số 7b/NQ-TLĐ của Ban Chấp hành Tổng LĐLĐVN.

Theo ông, thời gian tới, Công đoàn Việt Nam cần triển khai những biện pháp nào nhằm góp phần xây dựng nguồn tài chính công đoàn đủ mạnh để thực hiện tốt nhiệm vụ của tổ chức?

- Thời gian tới, Tổng LĐLĐVN sẽ tiếp tục rà soát, hoàn thiện quy định về tài chính, tài sản công đoàn. Tăng cường công tác quản lý thu tài chính công đoàn, triển khai quyết liệt các giải pháp để thu đúng, thu đủ và kịp thời, chống thất thu kinh phí và đoàn phí, tăng dần tỉ trọng thu đoàn phí trong cơ cấu thu tài chính công đoàn. Chi tài chính công đoàn tiết kiệm, hiệu quả; tăng chi trực tiếp cho đoàn viên, người lao động; tập trung chi các hoạt động quan trọng...

Nâng cao hiệu quả phân bổ, quản lý và sử dụng các nguồn lực tài chính gắn với thực hiện nhiệm vụ đại diện, bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng, chăm lo lợi ích đoàn viên, người lao động. Đẩy mạnh việc quản lý, điều hành tài chính công đoàn theo trung hạn.

Đổi mới cơ chế phân cấp tài chính công đoàn theo hướng toàn diện, triệt để. Quản lý chặt chẽ tài sản công đoàn; tiếp tục thực hiện việc sắp xếp cơ sở nhà, đất, tài sản công đoàn.

Tiếp tục rà soát, nâng cao hiệu quả hoạt động của các đơn vị kinh tế, đơn vị sự nghiệp công đoàn, góp phần vào việc thực hiện nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn. Thực hiện cơ chế giao tự chủ tài chính cho đơn vị sự nghiệp công đoàn theo mục tiêu của Nghị quyết 19-NQ/TW ngày 25.10.2017 về tiếp tục đổi mới và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập.

Thực hiện sắp xếp, tổ chức lại hệ thống cơ sở giáo dục nghề nghiệp trực thuộc Tổng LĐLĐVN theo hướng mở và linh hoạt đáp ứng nhu cầu nhân lực của thị trường lao động; tập trung vào các nghề thuộc các ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước; bảo đảm quy mô, cơ cấu và hợp lý về ngành nghề, trình độ đào tạo, chuẩn hóa, hiện đại hóa.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn