MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đối thoại giữa công nhân và công đoàn, lãnh đạo doanh nghiệp tại nơi làm việc. Ảnh: LĐLĐ tỉnh Vĩnh Phúc

Tăng đối thoại để giảm tranh chấp lao động tại doanh nghiệp

Đỗ Hạnh LDO | 08/05/2023 09:05
Việc đối thoại trong doanh nghiệp (DN) tìm “tiếng nói chung” giữa người lao động (NLĐ) và người sử dụng lao động (SDLĐ) là rất quan trọng. Với sự vào cuộc của các cấp công đoàn, nhiều DN đã quan tâm tới hoạt động đối thoại, từ đó xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.

Từ năm 2022 đến nay, trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc xảy ra 13 cuộc ngừng việc tập thể của công nhân tại một số DN. Công nhân ngừng việc để yêu cầu chủ SDLĐ nâng lương tối thiểu, điều chỉnh các chế độ về tiền thưởng, nghỉ phép, bữa ăn ca, cải thiện điều kiện, môi trường làm việc cho công nhân…

Gần đây nhất là vụ công nhân Công ty TNHH EO Vina tại KCN Khai Quang (Vĩnh Yên) ngừng việc, yêu cầu chủ SDLĐ tăng lương và đảm bảo một số chế độ phúc lợi tối thiểu khác… Ngay sau khi sự việc xảy ra, các cấp công đoàn đã kịp thời yêu cầu chủ sử dụng lao động tổ chức đối thoại với công nhân. Qua đối thoại, trước những ý kiến và chia sẻ của NLĐ, chủ SDLĐ đã hiểu rõ một số vấn đề đang tồn tại trong doanh nghiệp. Qua đó, các kiến nghị đã được chấp thuận hoặc giải đáp thỏa đáng. Cũng qua đối thoại, công nhân hiểu và chia sẻ hơn với khó khăn của DN khi đang nỗ lực hồi phục sản xuất sau đại dịch COVID-19…

Theo đại diện LĐLĐ Vĩnh Phúc, ngoài việc tổ chức định kì mỗi năm 1 lần theo quy định của Luật Lao động, không ít doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã tổ chức thường xuyên 3 tháng/lần hoặc tổ chức đột xuất khi có yêu cầu như: Công ty cổ phần Prime Group, công ty TNHH Midori Apparel, Công ty TNHH Nippon Paint Vĩnh Phúc, Công ty TNNH Hoàn Mỹ, Công ty TNHH Exedy, Công ty TNHH KCN Thăng Long Vĩnh Phúc…

Các DN tổ chức đối thoại riêng hoặc lồng ghép trong hội nghị NLĐ. Nội dung đối thoại tập trung vào những quyền lợi “sát sườn” của NLĐ như tình hình sản xuất kinh doanh của công ty, việc làm, thu nhập, việc thực hiện hợp đồng lao động, thỏa ước LĐTT, nội quy, quy chế, điều kiện, môi trường làm việc…

Theo bà Lê Thị Thì - Chủ tịch công đoàn Công ty TNHH Nippon Paint (KCN Bá Thiện, Bình Xuyên), là DN 100% vốn nước ngoài chuyên sản xuất sơn công nghiệp, công ty luôn quan tâm xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định. Xác định nếu xảy ra tranh chấp thì cả DN và NLĐ đều bị thiệt hại, thông hoạt động đối thoại định kì và tổ chức hội nghị NLĐ, lãnh đạo công ty đã quan tâm, lắng nghe và cùng đối thoại là giải pháp được coi trọng để phòng ngừa mâu thuẫn trong DN.

Theo Phó Chủ tịch Công đoàn các Khu công nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc Lê Văn Trí, thông qua đối thoại đã giúp DN và NLĐ hiểu nhau hơn, xóa bỏ những khúc mắc và tồn tại trong quan hệ lao động, cân bằng lợi ích cả hai bên, từ đó nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn