MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đại diện cơ quan chức năng quận 7 và Phòng Quản lý lao động - Ban Quản lý KCN-KCX TPHCM giải quyết một vụ tranh chấp lao động tại Khu chế xuất Tân Thuận.Ảnh: LÊ TUYẾT

Tăng đối thoại, giảm tranh chấp

LÊ TUYẾT LDO | 19/04/2017 06:22
“Đối thoại ở đây chính là trao đổi trực tiếp, kịp thời giữa đại diện doanh nghiệp (DN) và người lao động (NLĐ) khi hai bên bất hòa. Đối thoại có thể ngay ở nhà xưởng, tại chuyền, không máy móc kiểu phải vào hội trường, mời đại diện quận, huyện, ban bệ xuống…” – Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thị Thu lưu ý tại hội nghị sơ kết thực hiện đề án “Phát triển quan hệ lao động trên địa bàn TPHCM giai đoạn 2014 – 2020” năm 2016 và triển khai kế hoạch năm 2017, diễn ra ngày 18.4 tại TPHCM.

Tranh chấp lao động giảm

Báo cáo kết quả thực hiện đề án năm 2016, ông Lê Minh Tấn - Giám đốc Sở LĐTBXH TPHCM - cho biết, trong năm 2016, TPHCM đã xảy ra 54 vụ tranh chấp lao động tập thể, đình công, (giảm 29 vụ so với cùng kỳ năm 2015), với 18.756 người tham gia (giảm 10.113 người tham gia so với cùng kỳ). Ngành nghề chủ yếu xảy ra ở các DN may với 23 vụ, giày da 5 vụ.

Theo ông Tấn, nguyên nhân trực tiếp dẫn đến đình công là do quyền và lợi ích của NLĐ chưa được đảm bảo như việc tăng lương hằng năm, chất lượng bữa ăn ca, thời giờ làm việc và nghỉ ngơi, DN chưa thực hiện tốt quy chế đối thoại tại nơi làm việc, một số DN còn vi phạm quy định của pháp luật lao động như: Nợ BHXH, thời gian làm thêm vượt quá thời gian luật quy định… Trước tết, các vụ tranh chấp lao động tập trung vào nợ lương, thưởng tết, thanh toán phép năm… “Khi xảy ra đình công, đoàn công tác liên ngành đã có mặt kịp thời để hỗ trợ, giải quyết, không để đình công kéo dài hoặc xảy ra những hành động quá khích” - ông Tấn nói.

Chia sẻ về vai trò của hòa giải viên lao động trong việc thực hiện nhóm giải pháp “Chủ động giảm thiểu tranh chấp lao động tập thể và đình công”, ông Trần Hảo Trí - Hòa giải viên lao động quận Thủ Đức, Phó phòng Quản lý lao động, Ban Quản lý KCN-KCX TPHCM - cho biết: “Sau khi thực hiện hồ sơ quan hệ lao động tại 11 DN đông lao động có tồn tại các vấn đề về quan hệ lao động, tôi vẫn tiếp tục theo dõi, hỗ trợ các DN này thực hiện hội nghị NLĐ thông qua kiểm tra, nhắc nhở tổ chức, hướng dẫn các thiếu sót, tham dự hội nghị… Nhờ nắm bắt được tình hình, tôi đã cùng với Phòng LĐTBXH quận, huyện, CĐ KCN-KCX hướng dẫn DN xử lý kịp thời các vụ việc có dấu hiệu tranh chấp lao động, điển hình như vụ rải tờ rơi trước Cty TNHH Fretrend kêu gọi đình công, phản đối quản lý người nước ngoài tại Cty Trường Lợi..”.

Ông Trần Ngọc Sơn - Phó phòng LĐTBXH huyện Hóc Môn - cho rằng, đối với các vụ việc đình công, lãn công hoặc chủ DN có dấu hiệu bỏ trốn, nếu muốn giải quyết nhanh chóng, đạt hiệu quả và kịp thời theo quy định của pháp luật thì thành viên trong đoàn công tác giải quyết bước đầu các vụ đình công không đúng quy định pháp luật, UBND các xã, thị trấn phải nắm bắt nhanh, chính xác và báo cáo kịp thời tình hình cho Sở LĐTBXH TPHCM, Huyện ủy, UBND huyện để xin ý kiến chỉ đạo. Đồng thời, Phòng LĐTBXH chủ động tham mưu Huyện ủy, UBND huyện các biện pháp nhằm giải quyết nhanh, dứt điểm các vụ việc.

Chú trọng tổ chức hội nghị người lao động

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thị Thu đánh giá, tranh chấp lao động tập thể năm 2016 ở TPHCM giảm cả về số vụ và số lượng người tham gia, điều này là sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là ở cơ sở. Theo bà Thu, tranh chấp lao động xảy ra khi hai bên không hiểu nhau, xung đột về lợi ích mà không được giải quyết. Để gỡ bỏ xung đột này, việc cần thiết chính là đối thoại và tổ chức hội nghị NLĐ.

Bà Lê Thị Giàu - Chủ tịch HĐQT Cty CP Thực phẩm Bình Tây - cho biết, trước đây, giai đoạn 2013-2014, tình hình lao động tại Cty không ổn định, tranh chấp thường xuyên xảy ra mà nguyên nhân chính là do NLĐ và ban giám đốc Cty không hiểu nhau. Sau khi cải tổ lại cơ cấu, bộ máy, vai trò của CĐ được phát huy. CĐ và đại diện DN ký kết TƯLĐTT với nhiều điều khoản có lợi cho NLĐ. “Cty chủ động thành lập Ban chỉ đạo thực hiện quy chế dân chủ, thông qua quy chế hoạt động và các quy chế tổ chức hội nghị NLĐ, đối thoại định kỳ hằng quý. Nhờ đó, các kiến nghị của NLĐ được giải quyết, hạn chế tranh chấp lao động tập thể, cá nhân như trước” - bà Giàu chia sẻ.

Đại diện Phòng LĐTBXH quận 5 cho rằng, trước tình trạng DN né tránh đối thoại hoặc không tổ chức hội nghị NLĐ, đơn vị này đã tuyên truyền và linh động việc tổ chức đối thoại có thể được lồng ghép trong các cuộc gặp gỡ, giao ban, hội nghị, hoặc với nhiều hình thức như hội họp, tin nhắn, viết thư, giúp NLĐ và người sử dụng lao động tiết kiệm được thời gian nhưng vẫn truyền tải được nội dung đối thoại.

“Hiện nay, DN chưa hiểu đúng và hiểu còn máy móc về ý nghĩa, phương thức tổ chức hội nghị NLĐ và đối thoại nơi làm việc. Cơ quan quản lý nhà nước lại cho rằng, việc vận động, yêu cầu DN thực hiện quy chế dân chủ, đối thoại nơi làm việc là việc của CĐ. Tôi cho rằng, hiểu như vậy là không đúng. Cơ quan quản lý nhà nước phải nhận lấy trách nhiệm này, phối hợp với tổ chức CĐ, vận động, tuyên truyền và yêu cầu DN phải tổ chức hội nghị NLĐ một cách thực chất, dân chủ. Chỉ có cởi mở, hiểu nhau, minh bạch thông tin thì quan hệ lao động tại DN mới ổn định, phát triển” - bà Thu nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn