MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tăng giá điện là tăng thêm chi phí, áp lực cho lao động thuê trọ. Ảnh: P.Linh

Tăng giá điện là tăng thêm chi phí

Phương Linh - Tường Minh LDO | 05/10/2022 06:12
Người lao động ở các tỉnh miền Trung vốn rất khó khăn sau hơn 2 năm bị ảnh hưởng của dịch COVID-19 và những cơn “bão giá” của thời hậu dịch. Vốn mua điện giá cao, họ sẽ khó khăn chồng chất nếu tới đây điện còn tăng giá...

Chị Nguyễn Thị Thu, người lao động của một doanh nghiệp dệt may đang thuê trọ gần khu công nghiệp Hòa Khánh, thành phố Đà Nẵng. Chồng chị Thu là lao động tự do nên thu nhập cũng... tự do, trong khi lương chị Thu nếu tăng ca ổn định được 6 triệu đồng/tháng.

Chị Thu có 2 con đang học lớp 6 và lớp 8 nên cuộc sống rất chật vật. “Trước đi chợ cả gia đình 4 người ăn khoảng 100.000 đồng/ngày, nay phải 150.000 đồng/ngày. Giá xăng tăng nên thực phẩm đến các chi phí khác đều tăng theo, nay xăng giảm nhưng thực phẩm vẫn nguyên giá cũ. Lương của tôi không đủ lo sinh hoạt gia đình bởi riêng tiền điện đã tốn 500.000- 600.000 đồng/tháng. Đó là gia đình tôi còn dùng giá điện Nhà nước”, chị Thu thở dài.

Trước thông tin đề xuất tăng giá điện sinh hoạt, anh Thông, công nhân một doanh nghiệp chuyên chế biến thủy sản tại KCN An Đồn (Đà Nẵng) chia sẻ: Vợ chồng tôi quê ở Quảng Nam ra thuê nhà trọ ở gần KCN để đi làm, giá phòng 1 triệu đồng/tháng. Chủ trọ tính 3.500 đồng/kWh điện, mỗi tháng chi phí tiền điện bình quân 300.000 đồng, tiền nước 15.000 đồng/m3 nữa, tổng chi phí điện nước thêm khoảng 500.000 đồng. Tiền nhà trọ điện nước chiếm khoảng 10% tổng thu nhập của 2 vợ chồng, trong khi hàng tháng phải gửi tiền về quê cho ông bà nuôi 2 cháu. Theo anh Cường, “nếu tăng tiền điện thì lại phải bớt chi tiêu. Buồn nhất là bớt tiền ăn uống sinh hoạt - khoản chi vốn đã rất tằn tiện”.

Trong căn phòng trọ tạm bợ ở phường Phước Long, thành phố Nha Trang (Khánh Hòa), anh Nam - công nhân xây dựng đang làm việc cho một dự án ở Nha Trang đang tranh thủ lắp chiếc quạt mới. Thời tiết oi bức mấy hôm nay khiến chiếc quạt cũ không còn đủ công suất để mấy anh em sử dụng. “Chúng tôi làm công nhân, chung nhau thuê phòng trọ hết 1,6 triệu đồng/tháng. Giá điện tính 3.500 đồng/số, nước 5.500 đồng/m3; tổng chi phí điện nước hết gần 2,5 triệu đồng/tháng. Chúng tôi phải ở đông, giảm chi phí chứ ở ít thì lương không đủ ăn. Giá điện cao nên anh em ý thức tiết kiệm nhưng nóng quá nên phải đầu tư quạt mới. Nếu sắp tới tăng giá điện nữa thì chỉ có cách... tiết kiệm tiếp” - anh Nam nói.

Thực tế hiện nay nhiều lao động thuê nhà trọ ở khu vực Nam Trung Bộ vẫn đang phải chịu mức giá tiền điện do chủ trọ đặt ra. Số chủ trọ tính giá điện cho thuê theo giá ưu đãi của ngành điện chỉ chiếm số ít. Đối với những lao động thuê nhà nguyên căn thì may ra mới được hưởng giá điện theo quy định. Theo chia sẻ của chị Nguyễn Thị Huyên, công nhân của một công ty dệt may trên địa bàn Nha Trang nhiều năm đi ở trọ, thì chi phí điện nước luôn chiếm từ 30-50% giá phòng trọ cho sinh viên, người lao động thuê.

“Tôi ở trọ nơi thì tính giá điện nước theo mức chia bình quân tổng số tiền điện cả khu trọ, có chủ chia sẻ thì tính theo giá hộ gia đình để người thuê được dùng giá rẻ nhưng một số chủ trọ đưa ra giá cố định từ 3.000-5.000 đồng/số theo công tơ lắp riêng tại mỗi phòng. Hiện tôi đang thuê nhà nguyên căn nên được hưởng theo mức giá của hộ gia đình nhưng mỗi tháng tiền điện cũng tốn 700.000-800.000 đồng. Nếu tăng giá điện thì thêm áp lực chi phí sinh hoạt rất lớn cho người lao động, nhất là lao động đi thuê trọ như chúng tôi”, chị Huyên nói.

Theo chị Huyên, người lao động rất mong ngành điện rà soát để công nhân lao động được hưởng giá điện Nhà nước quy định. Mặt khác việc tăng giá cũng chưa nên áp dụng đại trà mà nên áp dụng theo đối tượng, khu vực....

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn