MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Khu trọ của công nhân KCN Thăng Long (Hà Nội). Ảnh: Minh Hương

Tăng giá điện, thêm nỗi lo

Minh Hương LDO | 10/10/2022 06:15
Trước thông tin sẽ có biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt mới, cao nhất 3.356 đồng/kWh, nhiều công nhân thuê trọ đang phải chịu giá điện cao hơn so với quy định lo lắng, giá điện tăng họ lại thêm nỗi lo chi phí...

Tiền điện chiếm 10% lương

Đến Khu công nghiệp Thăng Long (Đông Anh, Hà Nội) được 6 năm, anh Phan Văn Nam - công nhân của một doanh nghiệp thiết bị vệ sinh đang thuê trọ cùng vợ và 2 con ở gần nơi làm việc.

Với mức lương cơ bản 5,3 triệu đồng/tháng, cộng thêm các khoản phụ cấp, anh được 6,2 triệu đồng/tháng. Nếu làm thêm 3-4 ngày/tuần, thu nhập của anh Nam ở mức 11 triệu đồng mỗi tháng.

Vợ cùng làm công nhân nhưng chỉ đi làm hành chính do đang nuôi con nhỏ, lương chỉ hơn 5 triệu đồng. Căn phòng trọ gia đình đang sinh sống được thuê từ ngày đầu anh xin làm công nhân nên được hưởng giá ưu đãi 600.000 đồng/tháng, bao gồm gác xép và nhà vệ sinh. Để xây dựng tổ ấm ở nơi lập nghiệp, anh Nam sắm sửa đồ đạc khá đầy đủ: tivi, tủ lạnh, điều hoà... Những ngày hè oi ả, nhằm tiết kiệm chi phí, nam công nhân chỉ dám bật điều hoà khi con đi ngủ, vậy nhưng tiền điện cũng lên đến 500.000-600.000 đồng/tháng.

Hiện anh Nam phải trả 3.500 đồng/số điện, tháng nào dùng nhiều nhất, tiền điện lên đến 647.000 đồng. “Nếu giá điện tăng, tôi hy vọng chủ trọ không thu tiền điện cao hơn so với mức đã tăng” - anh Nam nói.

Giá bán lẻ điện sinh hoạt đang là 6 bậc: Bậc 1 cho kWh từ 0 - 50, giá bán điện là 1.678 nghìn đồng/kWh; bậc 2 từ 51 - 100 kWh giá bán điện 1.734 đồng/kWh; bậc 3 từ 101 - 200 kWh giá bán 2.014 đồng/kWh; bậc 4 từ 201 - 300 kWh giá bán 2.536 đồng/kWh; bậc 5 từ 301 - 400 kWh giá bán điện 2.834 đồng/kWh; bậc 6 từ 401 kWh trở lên giá bán điện là 2.927 đồng/kWh.

Tăng đồng nào, lo đồng đó

Là lao động chính trong gia đình, anh Nguyễn Văn Hải (32 tuổi, công nhân làm việc ở Khu công nghiệp Thăng Long) nhận tổng lương 12 triệu đồng/tháng nếu tăng ca đều. Anh Hải có 2 người con, một cháu đang học cấp 2, cháu còn lại học cấp 1. Xin được vào trường công lập cho các con nên anh Hải giảm được phần nào đó chi phí.

Vợ anh bán hàng thuê ở chợ, lương được hơn 6 triệu đồng/tháng. Tính tổng chi tiêu trong một tháng, ông bố 2 con cho biết, tiền thuê trọ (bao gồm điện, nước) 1,8 triệu đồng, ăn uống 6 - 7 triệu đồng, học thêm của con 2 triệu đồng, xăng xe 300.000 đồng... Tháng nào có việc phát sinh ở quê như bố mẹ ốm đau, đám hiếu hỉ thì gia đình anh không để được khoản nào tiết kiệm.

Phòng trọ anh Hải thuê từ năm 2017, từ đó đến nay, giá điện ở mức 3.000 đồng/số. Theo anh Hải, tháng nào sử dụng nhiều thì lên đến 230 số điện, tháng ít nhất cũng 150 số. Chia sẻ về việc đề xuất tăng giá điện, anh Hải nói: “Nếu là quy định của Nhà nước dù thế nào chúng tôi cũng phải tuân theo. Tuy nhiên, tôi hi vọng khi đề xuất các phương án tăng giá điện phải theo cơ chế thị trường, phù hợp với mặt bằng chung”.

Theo anh Hải, mỗi năm, lương của anh tăng thêm khoảng 230.000 đồng, nếu vật giá tăng cao chênh lệch với mức lương, e rằng công nhân sẽ khó sống ở Thủ đô. “Lương của tôi hơn 10 triệu đồng, nghe có vẻ nhiều nhưng tôi phải “xé” nhỏ nhiều khoản. Đối với những người làm công việc bán sức lao động, tăng thêm đồng nào lo lắng đồng đó”  - anh Hải bày tỏ.

18 tuổi bắt đầu ra Hà Nội làm ở nhà máy, đến nay, anh Hải vẫn chưa thể có căn nhà cho gia đình nhỏ. “Đến giờ, tôi chẳng có khả năng mua nhà, dù chỉ là nhà ở xã hội. Làm công nhân thêm vài năm có thêm chút vốn, tôi sẽ đưa vợ con về quê. Ở đây, không trồng trọt, chăn nuôi, cái gì cũng đắt đỏ”, anh Hải nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn