MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ảnh minh họa.

Tăng giờ làm thêm là đi ngược xu thế tiến bộ xã hội

NAM DƯƠNG LDO | 07/06/2019 18:00
Đây là ý kiến của nhiều cán bộ Công đoàn cơ sở (CĐCS) tại Hội nghị lấy ý kiến góp ý dự thảo Bộ luật Lao động do CĐ các KCN - KCX TPHCM tổ chức chiều 6.6. Hội nghị có sự tham gia của gần 50 cán bộ CĐCS thuộc những doanh nghiệp (DN) trong các KCN - KCX TPHCM.

Theo ông Nguyễn Văn Phê - Chủ tịch CĐ Cty Domex (KCX Linh Trung I), hiện nhiều DN lạm dụng tăng ca, thậm chí các cơ quan quản lý nhà nước biết, nhưng không có động thái gì. Ông Phê cho rằng, nếu giờ tăng giờ làm thêm chứng tỏ tiền lương chưa đủ sống và khả năng chủ DN lợi dụng việc tăng ca buộc người lao động (NLĐ) phải làm thêm giờ mà không cần sự thỏa thuận. Ông Phê không đồng ý với việc tăng giờ làm thêm vì cho rằng NLĐ cần có thời gian nghỉ ngơi để chăm sóc gia đình, tái tạo sức lao động.

Về tuổi nghỉ hưu, nhiều ý kiến cho rằng tuyệt đại đa số NLĐ trực tiếp, nhất là trong những ngành thâm dụng lao động như dệt may, da giày, chế biến thủy hải sản không đồng ý với quy định tăng tuổi nghỉ hưu lên 60 với nữ, 62 với nam. “Đã tăng ca lại tăng cả tuổi nghỉ hưu thì rất vất vả cho NLĐ. Trong khi một số ngành thâm dụng lao động, hơn 50 tuổi là mắt mờ không làm được”, ông Phê nói.

Đồng tình với quan điểm không nên tăng giờ làm thêm quá nhiều, ông Võ Văn Hùng - Chủ tịch CĐ Cty Hansea Việt Nam (KCN Tây Bắc, huyện Củ Chi) - nói rằng, tăng giờ làm thêm là đi ngược xu thế tiến bộ xã hội. Và cần khống chế giờ làm thêm tối đa trong một tuần để tránh trường hợp chủ DN lợi dụng để tăng ca và để phù hợp với sức khỏe của NLĐ.

Có ý kiến nêu cần quy định trong thời gian nữ LĐ mang thai mà hết hạn HĐLĐ thì chủ DN phải gia hạn HĐLĐ cho lao động nữ đó đến khi hết thời gian nuôi con nhỏ 12 tháng. Quy định như vậy là nhân văn vì tạo điều kiện cho lao động nữ có việc làm, thu nhập để nuôi con nhỏ, vì thực tế hiện nay nhiều DN không ký tiếp HĐLĐ khi hết hạn với lao động nữ mang thai.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn