MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nữ công nhân lao động ngành dệt may là đối tượng thường xuyên phải làm thêm giờ. Ảnh: Q.C

Tăng giờ làm thêm, thù lao phải tương xứng

NHÓM PHÓNG VIÊN LDO | 29/05/2019 14:20

Hôm nay (29.5), Quốc hội sẽ thảo luận về Dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi). Tại dự thảo bộ luật này, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề xuất mở rộng khung thỏa thuận về giờ làm thêm tối đa từ 300 giờ/năm lên 400 giờ/năm - tăng thêm 100 giờ/năm so với hiện hành. 

Về đề xuất này, nhiều Đại biểu Quốc hội cho rằng cần đảm bảo cơ chế tốt nhất để trả thù lao tương xứng cho người lao động và phải quy định rất rõ ràng, tránh việc chủ sử dụng lao động “lạm dụng” buộc người lao động làm thêm một cách tùy tiện, trong khi trả công rẻ mạt.

Tăng giờ làm phải tăng lương lũy tiến

Theo Bộ LĐTBXH, cơ quan được giao soạn thảo, Bộ luật Lao động (sửa đổi) hiện hành quy định số giờ làm thêm tối đa của người lao động là không quá 50% số giờ làm việc bình thường/ngày, 30 giờ/tháng và tổng số không quá 200 giờ/năm, trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định thì được làm thêm giờ không quá 300 giờ/năm.

Quan điểm của Chính phủ là việc mở rộng khung thỏa thuận làm thêm giờ tối đa là cần thiết để nâng cao năng lực cạnh tranh của thị trường lao động, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp và người lao động, góp phần bảo vệ quyền lợi tiền lương của người lao động (NLĐ).

Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với PV bên hành lang Quốc hội, Đại biểu Quốc hội - Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Ngọ Duy Hiểu cho biết, cơ bản Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (Tổng LĐLĐVN) thống nhất phương án mở rộng thêm giờ làm tối đa 400 giờ. Tuy nhiên, việc tăng thêm giờ làm phải kèm theo những điều kiện để đảm bảo tốt nhất cho NLĐ. Trên thực tế hiện nay, nhiều nơi NLĐ có thể làm thêm tới 500 giờ/năm do chủ sử dụng lao động vi phạm.

Điều kiện thứ nhất, theo Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN đó là dứt khoát phải được NLĐ đồng ý thì mới làm việc. Thứ hai, việc tăng thêm 400 giờ làm thêm chỉ áp dụng với một số ngành nghề, lĩnh vực chứ không phải tất cả ngành nghề đều có thể sử dụng. Thứ ba, người lao động phải được hưởng lương luỹ tiến.

Ông Hiểu nêu ví dụ, nếu làm thêm 2 giờ sẽ được thêm 3 đồng, nhưng nếu làm thêm đến giờ thứ 3 có thể phải là 4 đồng, giờ thứ 4 phải 5 đồng. Tuy nhiên, cũng tránh việc chủ sử dụng lao động sẽ huy động giờ làm thêm một cách “rất lạm dụng”, điều này ảnh hưởng trực tiếp tới sức khoẻ NLĐ. “Chúng ta cũng thấy rằng NLĐ càng làm thêm nhiều giờ, chi phí cho việc tái sản xuất sức lao động phải cao hơn” - ông Hiểu nhấn mạnh.

Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN đưa ra những lý do mà NLĐ hiện nay phải sa vào làm thêm giờ là vì cuộc sống quá khó khăn, nơi ở chật hẹp, nóng bức nên họ thà làm việc ở cơ quan vất vả một chút nhưng còn hơn ở nhà.

“Đấy là những câu chuyện rơi nước mắt để chúng ta khi thiết kế luật phải làm sao hài hoà lợi ích, bên cạnh việc thúc đẩy để có nhiều doanh nghiệp phát triển, có nhiều doanh nghiệp làm đầu tàu, thúc đẩy nền kinh tế đất nước. Nhưng chúng ta cũng phải quan tâm đến NLĐ vì không có NLĐ, sẽ không có doanh nghiệp nào tồn tại được” - ông Hiểu nói.

Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Thị Như Ý (đoàn Đồng Nai) lại cho rằng, chúng ta đang theo xu hướng giảm giờ làm, tăng thu nhập. Trên thực tế, với nhu cầu sản xuất, áp lực hàng hóa thì ở nhiều đơn vị việc tăng giờ làm đã xảy ra. Do đó, nội dung này điều chỉnh trong luật để bảo vệ quyền lợi người lao động khi tăng giờ làm thêm thì phải cải tạo thu nhập của họ.

“Tôi đồng ý với phương án đưa ra trong dự thảo, tăng số giờ làm thêm trong năm lên, từ 300 giờ hiện tại lên 400 giờ nhưng hạn chế ở một số ngành nghề. Ngoài ra, đề nghị Dự thảo Luật có những quy định cụ thể hơn, tính đến quyền lợi của NLĐ bằng lũy tiến giờ làm thêm, phải đảm bảo được công sức mà người lao động bỏ ra” - đại biểu Như Ý nêu quan điểm.

Đừng để người sử dụng lao động vắt kiệt sức NLĐ

Dù ủng hộ phương án tăng làm thêm giờ như dự án Bộ luật Lao động sửa đổi đưa ra, nhưng đại biểu Nguyễn Tiến Sinh (đoàn Hòa Bình), nhấn mạnh đây chỉ là giải pháp tình thế. Bởi với tâm lý của NLĐ, nếu thu nhập đủ sống, đã thỏa mãn với thu nhập nhận được thì chẳng ai muốn làm thêm giờ.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Tiến Sinh (đoàn Hòa Bình). Ảnh: quochoi.vn

Cũng theo vị đại biểu này, khi quyết định tăng làm thêm giờ, nhất định phải hướng đến việc tăng thu nhập cho NLĐ, chứ không phải tạo khe hở để chủ sử dụng vắt kiệt sức của NLĐ. Ông đề xuất nên đưa ra quy định tiền công làm thêm tăng dần theo lũy tiến. Đây là một giải pháp để giải quyết hài hòa lợi ích của người NLĐ và chủ sử dụng lao động.

“Khi hai bên đã có sự thỏa thuận, dứt khoát giờ làm thêm sau phải được trả cao hơn giờ làm trước. Không thể tính tiền làm thêm giờ theo kiểu cào bằng, bởi NLĐ phải cố gắng gấp đôi, gấp ba lần. Điều này cũng giúp chủ sử dụng lao động phải cân nhắc khi yêu cầu NLĐ làm thêm giờ, tránh việc lạm dụng, vắt kiệt sức lực của NLĐ. Tuy nhiên, tôi cho rằng cần có thêm chế tài khác để NLĐ không vì chạy theo làm thêm giờ mà tự vắt kiệt sức lao động của mình, để đến lúc gục bên phân xưởng” - đại biểu Sinh lưu ý.

Trong khi đó, đại biểu Bùi Văn Xuyền (đoàn Thái Bình) cho rằng, trước khi đưa ra quy định cần phải đánh giá tác động, giữa cái được và mất khi thực hiện tăng giờ làm thêm. Khi tăng giờ làm thêm, NLĐ sẽ có thêm thu nhập, tuy nhiên phải đảm bảo hài hòa giữa quyền lợi của NLĐ và chủ sử dụng lao động về mặt tiền lương, bảo hiểm, bảo hộ lao động, để đảm bảo NLĐ có môi trường lao động tốt nhất, có sức khỏe để tái tạo sức lao động.

Ông Xuyền nói thêm, vì mưu sinh, vì cơm áo, họ chấp nhận hy sinh sức khỏe của mình để lao động. Những người làm chính sách phải tính đến tất cả yếu tố đó, để cân nhắc có nên tăng giờ làm thêm hay không, tăng ở mức độ nào thì phù hợp với thể trạng của người Việt Nam. Quan trọng nhất vẫn là đảm bảo sức khỏe của NLĐ.

Theo Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Ngọ Duy Hiểu, với việc làm thêm quá nhiều giờ, NLĐ có thể bị tai nạn lao động. Và họ cũng rất cần có thời gian để chăm sóc con cái, gia đình. “Nếu hôm nay người lao động đó sinh ra những trẻ em thiếu dinh dưỡng, không được giáo dục đầy đủ, đó là gánh nặng rất lớn cho đất nước trong tương lai. Nên tôi cho rằng, giải pháp của chúng ta vừa phải trước mắt nhưng phải lâu dài, phải tính chiến lược. Thực tế đời sống công nhân hiện nay rất khó khăn” - ông Hiểu nói.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Tiến Sinh (đoàn Hòa Bình) cũng cho rằng, hiện nay năng suất lao động và ngày công của NLĐ còn thấp, dẫn đến thu nhập thấp, nên NLĐ có nhu cầu muốn làm thêm. Thứ hai, đối với chủ sử dụng lao động, do áp lực của hoạt động sản xuất kinh doanh, nên muốn NLĐ có thể tham gia nhiều hơn vào sản xuất, để tạo ra nhiều sản phẩm, giúp doanh nghiệp phát triển. Xuất phát từ nhu cầu từ hai phía, chúng ta có thể tăng giờ làm thêm lên 400 giờ/năm.

Tuy nhiên, ông Sinh đưa ra ý kiến về lâu dài phải quan tâm để làm sao cải thiện được thời gian lao động ngày càng ngắn đi mà hiệu quả, năng suất lao động cao hơn, đồng thời chế độ lao động phải tốt hơn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn