MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Lãnh đạo LĐLĐ TP.Hải Phòng, Công đoàn Khu kinh tế Hải Phòng nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người lao động thuê trọ. Ảnh: Mai Dung

Tăng lương để ổn định quan hệ lao động tại doanh nghiệp

Mai Dung LDO | 31/03/2022 10:49

Trong 2 năm qua, một bộ phận doanh nghiệp ở Hải Phòng vẫn tăng lương cho người lao động (NLĐ) dựa vào nội dung ký kết thoả ước lao động tập thể cũng như thương lượng, đối thoại định kỳ. Song, phần lớn NLĐ và cán bộ Công đoàn đều mong chờ tăng lương tối thiểu vùng...

Công nhân mòn mỏi chờ tăng lương

Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, 2 năm qua, lương tối thiểu vùng chưa được điều chỉnh, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của NLĐ, nhất là lao động nhập cư.

Anh Hoàng Văn Vui (quê Tuyên Quang, công nhân nhà trọ phường Hưng Đạo, quận Dương Kinh) xuống Hải Phòng làm công nhân hơn 2 năm nay. Thu nhập của anh Vui khoảng 6 triệu đồng/tháng và không tăng trong suốt 2 năm qua. Số tiền này, anh Vui dành một nửa gửi về quê cho vợ chăm sóc 2 con đang học tiểu học, còn lại trả tiền nhà, tiền ăn và các chi phí sinh hoạt khác. “Vật giá ngày càng tăng trong khi tiền lương không tăng, cuộc sống của lao động xa nhà như chúng tôi càng thêm khó khăn. Để giữ nguyên khoản tiền gửi về quê cho vợ con, bản thân tôi phải cắt giảm tiền ăn hằng tháng…” - anh Vui tâm sự.

Việc lương tối thiểu vùng không tăng cũng phần nào ảnh hưởng đến quan hệ lao động tại TP.Hải Phòng. Cụ thể, trong tháng 3.2022, có đến 2 vụ ngừng việc tập thể liên quan đến kiến nghị tăng lương của NLĐ là vụ ngừng việc của hơn 2.000 lao động Nhà máy Giày Tam Cường (thuộc Công ty TNHH Đỉnh Vàng, địa chỉ huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng) đề nghị tăng mức lương tối thiểu vùng theo quy định của pháp luật cùng nhiều chế độ, phụ cấp khác. Tuy nhiên, sau nhiều lần điều chỉnh, các chế độ phụ cấp như thâm niên, bữa ăn ca đều được điều chỉnh tăng, về tiền lương công ty vẫn trả lời sẽ thực hiện theo quy định pháp luật và sẽ tăng lương khi nhà nước có quy định.

Tương tự, vụ ngừng việc ngày 28.3 tại Công ty TNHH Đầu tư Oanh Vân (huyện Tiên Lãng) cũng liên quan đến vấn đề tiền lương, Ban lãnh đạo công ty này đồng ý điều chỉnh lương cơ bản tăng thêm 230.000 đồng/người/tháng. Sau khi nhà nước tăng mức lương tối thiểu vùng, nếu mức lương cơ bản công ty thấp hơn mức lương tối thiểu vùng thì công ty sẽ điều chỉnh tăng sao cho bằng mức lương quy định của nhà nước.

Tăng cường đối thoại, thương lượng tập thể về tiền lương

Ông Vũ Ngọc Thức - Trưởng ban Chính sách - Pháp luật Liên đoàn Lao động TP.Hải Phòng - cho biết: Lương tối thiểu vùng không tăng trong vòng 2 năm qua tác động rất lớn đến đời sống, thu nhập của NLĐ do phần lớn doanh nghiệp xây dựng mức lương cơ bản dựa trên mức lương tối thiểu vùng. Năm qua, nhiều doanh nghiệp vẫn tăng lương cơ bản căn cứ vào nội dung kiến nghị của người lao động, quá trình đối thoại, thương lượng của Công đoàn cơ sở cũng như căn cứ vào nội dung đã ký kết trong thoả ước lao động tập thể liên quan đến tiền lương. Nhờ đó, năm 2021, thu nhập bình quân của người lao động thành phố tăng 6,1% so với năm 2020.

Tuy vậy, theo đại diện Công đoàn Khu kinh tế Hải Phòng, số thỏa ước lao động tập thể trong khu kinh tế có nội dung về tiền lương chỉ đạt khoảng 42%, tập trung vào thương lượng lương tối thiểu, lương thử việc, nâng lương. Trong giai đoạn ảnh hưởng do dịch bệnh COVID-19, việc thương lượng tiền lương gặp khó khăn. 

“Việc tăng lương tối thiểu là rất cần thiết, nhất là giai đoạn này, các doanh nghiệp đã dần hồi phục sản xuất kinh doanh sau dịch COVID-19. Thời gian này, doanh nghiệp và tổ chức Công đoàn cần nắm bắt kịp thời tâm tư, nguyện vọng của người lao động, từ đó tiếp tục thương lượng, thoả thuận về tiền lương, tiền thưởng, các chế độ khuyến khích khác trong thoả ước lao động tập thể hoặc trong quy chế của doanh nghiệp. Từ đó, thu hút, giữ chân NLĐ gắn bó với doanh nghiệp, hạn chế mâu thuẫn, tranh chấp lao động liên quan đến tiền lương” - ông Thức cho biết.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn