MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Một khu trọ cho người lao động ở Đà Nẵng. Ảnh: Tường Minh

Tăng lương, doanh nghiệp mới giữ chân được người lao động

TRẦN TUẤN LDO | 01/04/2022 12:37
Giá cả leo thang, lương còn thấp cuộc sống của công nhân tại Hà Tĩnh gặp rất nhiều khó khăn. Việc đề xuất tăng lương tối thiểu vùng của Tổng LĐLĐVN mới đây để làm cơ sở tăng thêm thu nhập cho người lao động được công nhân rất ủng hộ.

Ngày 31.3, chị Trương Thị Hoan (50 tuổi, trú phường Hưng Trí, thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh) là công nhân Công ty Xuất nhập khẩu Thủy sản Nam Hà Tĩnh chia sẻ, chị đã có 27 năm làm việc tại công ty này. Tuy nhiên, khi đơn hàng ổn định, đi làm và tăng ca tối đa thì thu nhập của chị cũng chỉ được hơn 6 triệu đồng. Còn những lúc dịch bệnh hoặc đơn hàng ít thì thu nhập rất thấp. Nói rồi chị dẫn chứng “Như tháng 2 vừa rồi do công ty có nhiều ca F0 phải nghỉ phòng dịch, tôi chỉ đi làm được 10 ngày nên thu nhập chỉ được hơn 2 triệu đồng”.

Chị Hoan chia sẻ thêm, chồng chị ở nhà làm nông nên thu nhập thấp, trong khi chị làm công nhân lương cũng thấp và không ổn định. Thành ra cuộc sống rất khó khăn khi còn phải nuôi 2 con đang tuổi ăn học. Đã hơn nửa đời người nhưng chắt bóp, tích cóp nhiều năm và được sự hỗ trợ 20 triệu đồng của quỹ Mái ấm công đoàn nên vừa qua, gia đình chị mới làm được một ngôi nhà cấp bốn nhỏ để có nơi an cư lạc nghiệp.

“Giờ xăng dầu tăng, giá tất cả các mặt hàng cũng tăng mà lương còn thấp nên công nhân rất khó khăn. Bởi vậy, việc tăng lương tối thiểu vùng lúc này là rất cần thiết. Có tăng lương thì doanh nghiệp mới giữ được người lao động” - chị Hoan trải lòng và thông tin, như ở công ty của chị, vừa qua đã có khoảng 50 - 60 người nghỉ việc đi tìm chỗ làm mới có thu nhập cao, ổn định hơn.

Chia sẻ với phóng viên Báo Lao Động, nhiều công nhân ở nhiều doanh nghiệp khác nhau tại Hà Tĩnh đều đồng tình và tha thiết được tăng lương tối thiểu vùng trong năm 2022 này. Bởi theo họ, hiện nay thu nhập của họ còn thấp trong khi xăng, dầu và giá cả các mặt hàng tiêu dùng đều tăng cao.

Ông Nguyễn Đức Thạch - Chủ tịch Công đoàn các KKT tỉnh Hà Tĩnh cho rằng, 2 năm qua do tác động của dịch COVID-19 nên chưa tăng lương tối thiểu vùng theo lộ trình là hợp lý nhằm chia sẻ với khó khăn của doanh nghiệp. Tuy nhiên, hiện nay thực hiện thích ứng an toàn, linh hoạt trong chống dịch nên kinh tế đã phục hồi, hoạt động của doanh nghiệp cũng dần đi vào ổn định. Do vậy, đề xuất tăng lương tối thiểu vùng ở thời điểm này là phù hợp.

“Hiện nay giá cả tiêu dùng đều tăng nên đồng lương của công nhân còn thấp sẽ rất vất vả. Tăng lương là cần thiết để không những giúp cải thiện đời sống của người lao động mà còn giúp doanh nghiệp giữ chân được người lao động” - ông Thạch nhìn nhận.

Cũng theo ông Thạch, trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp đang thiếu hụt lao động, nhu cầu tuyển dụng ở doanh nghiệp miền Nam rất lớn và với mức thu nhập khá cao thì việc tăng lương tối thiểu vùng là cần thiết để giữ chân lao động địa phương, hạn chế lao động nhảy việc dịch chuyển vào miền Nam với số lượng lớn cũng như hạn chế tranh chấp lao động, đình công, ngừng việc tập thể...

Ngoài ra, hiện nay đã mở lại đường bay quốc tế, hoạt động xuất khẩu lao động (XKLĐ) đã dần phục hồi. Do vậy, nếu làm công nhân trong nước thu nhập thấp thì nhiều người sẽ lựa chọn nghỉ việc để đi XKLĐ vì cho thu nhập cao hơn nhiều.

Bà Võ Thị Kim Anh - Chủ tịch LĐLĐ thị xã Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh) - cũng cho rằng, việc tăng lương tối thiểu vùng thời điểm này là cần thiết và hợp lý. Bởi hiện nay kinh tế đã dần phục hồi, hoạt động của doanh nghiệp cũng đã cơ bản ổn định. Vì vậy, cần tăng lương, tăng thu nhập cho người lao động để trang trải cuộc sống được tốt hơn trong bối cảnh giá cả tiêu dùng tăng cao, ảnh hưởng lớn đến đời sống của họ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn