MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tăng lương nhưng cần đảm bảo các quyền lợi, chế độ khác cho người lao động. Ảnh minh hoạ: Bảo Hân

Tăng lương nhưng không được cắt giảm các quyền lợi khác

Bảo Hân LDO | 05/07/2022 07:09
Nhiều doanh nghiệp đã điều chỉnh lương cho công nhân theo Nghị định 38/2022/NĐ-CP về lương tối thiểu. Có ý kiến lo ngại khi tăng lương cơ bản cho công nhân, có thể có những doanh nghiệp cắt giảm một số quyền lợi khác của người lao động.

Tăng lương, đừng giảm tiền thưởng!  

Anh Đào Hoài S. - công nhân một doanh nghiệp thuộc Khu công nghiệp Thăng Long (huyện Đông Anh, Hà Nội) - cho biết, ngoài tiền thưởng dịp 30.4, 2.9, số tiền thưởng anh nhận nhiều nhất là dịp cuối năm.  

“Năm nào công ty có lợi nhuận cao thì công nhân lâu năm như tôi được thưởng hơn 2 tháng lương; nếu không thì được tròn 2 tháng lương. Ngoài ra, công ty còn trả thưởng cho công nhân căn cứ vào mức độ hoàn thành công việc. Người cao nhất được hơn 2 tháng, có người được 1,5 hoặc 1 tháng lương” - anh S. nói. Tổng cộng các khoản tiền thưởng trong 1 năm của nam công nhân khoảng 14-15 triệu đồng, chủ yếu đến từ khoản thưởng vào dịp cuối năm. 

Theo anh S., công ty vừa tăng lương cho công nhân, nhưng anh không lo ngại về việc công ty sẽ “điều chỉnh” một số khoản tiền khác, như tiền thưởng để cân bằng lại chi phí. “Công ty chi thưởng khá công bằng, minh bạch. Quản lý ở tổ sẽ đánh giá, chấm điểm cho công nhân, công ty căn cứ vào đó sẽ quyết định các mức thưởng. Tôi mong doanh nghiệp tiếp tục duy trì cách trả thưởng như này và không cắt giảm các khoản tiền của công nhân, trong đó có tiền thưởng” - anh S. nói.  

Ngoài tiền lương cơ bản, anh S. còn được nhận một số khoản phụ cấp, như: Tiền xăng xe (17.000 đồng/người/ngày); trợ cấp nhà ở (300.000 đồng/người/ngày); chuyên cần (70.000 đồng/người/tháng) và làm đủ tháng (150.000 đồng/người/tháng). Nếu nghỉ làm mà không xin phép, anh sẽ bị mất toàn bộ tiền chuyên cần và tiền làm đủ tháng; nếu nghỉ có phép hoặc đến muộn, anh sẽ bị mất tiền chuyên cần, chỉ còn tiền đủ tháng. Nếu làm thêm nhiều, anh S. có thu nhập khoảng 8 triệu đồng/tháng; còn nếu không chỉ 7 triệu đồng/tháng trở xuống.  

Công đoàn tăng cường công tác thương lượng  

Trao đổi với phóng viên, ông Vũ Minh Tiến - Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn (Tổng LĐLĐVN) - cho biết, trong năm, tuỳ từng doanh nghiệp, công nhân thường có tiền Tết Âm lịch, Dương lịch, 30.4, 1.5, hoặc ngày thành lập công ty; 8.3, Noel… Ông Tiến cho biết, có ý kiến lo lắng: Khi tăng lương tối thiểu vùng, doanh nghiệp sẽ điều chỉnh tiền lương cơ bản cho công nhân thì có tình trạng doanh nghiệp cắt giảm một số khoản tiền của NLĐ.  

Người đứng đầu Viện Công nhân và Công đoàn cho rằng, các khoản phụ cấp nếu có trong hợp đồng lao động thì doanh nghiệp sẽ không cắt được; tiền hỗ trợ đi lại, tiền nhà ở có thể đã ghi trong thoả ước lao động tập thể hoặc quy định của công ty thì không giảm được, nhưng khoản tiền Lễ, Tết, 30.4, 1.5… thì có thể bị giảm bởi công ty chỉ nói có phần quà, thưởng trong những ngày đó, không cụ thể là bao nhiêu tiền. “Những khoản nào không có trong thoả ước, hợp đồng lao động hoặc quy định của công ty thì rất dễ rơi vào tình trạng bị cắt hoặc giảm” - ông Tiến phân tích.  

Theo Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn, để khắc phục tình trạng tăng lương nhưng người lao động bị cắt giảm một số khoản tiền không có trong hợp đồng lao động hoặc thoả ước lao động tập thể, điều quan trọng là công đoàn cơ sở và tập thể người lao động phải đoàn kết, phản ánh ý kiến, nguyện vọng của mình và đối thoại thương lượng với chủ sử dụng. Bên cạnh đó, công đoàn cần phải tuyên truyền, thuyết phục chủ sử dụng lao động không được cắt giảm quyền lợi người lao động, ảnh hưởng đến thu nhập, tâm lý và thái độ làm việc. Cùng với đó, công đoàn và người lao động phải lấy gương tốt - những doanh nghiệp cùng ngành nghề không cắt giảm mà tăng quyền lợi cho người lao động - làm ví dụ để yêu cầu doanh nghiệp không cắt giảm…

Khoản 3 Điều 5 Nghị định số 38/2022/NĐ-CP (có hiệu lực từ 1.7.2021) quy định người sử dụng lao động có trách nhiệm rà soát lại các thỏa thuận trong hợp đồng lao động, thoả ước lao động tập thể và các quy chế, quy định của người sử dụng lao động để điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp; không được xoá bỏ hoặc cắt giảm các chế độ tiền lương khi người lao động làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm, chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật và các chế độ khác theo quy định của pháp luật lao động.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn