MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Tăng lương tối thiểu cần có chính sách kiểm soát giá cả và lạm phát

LƯƠNG HẠNH LDO | 26/04/2023 10:35
Thu nhập từ lương của người lao động không theo kịp giá cả thị trường, UBND TP.Hồ Chí Minh vừa đề xuất Chính phủ có chính sách kiểm soát chỉ số giá và lạm phát khi công bố tăng mức lương tối thiểu

Lương không đuổi kịp giá cả

Theo UBND TP Hồ Chí Minh, việc rà soát, đánh giá tình hình và thực hiện điều chỉnh mức lương tối thiểu được Chính phủ thực hiện định kỳ hàng năm.

Nguyên tắc áp dụng tiền lương tối thiểu không thay đổi nhiều nên hầu hết các doanh nghiệp nắm bắt, cập nhật kịp thời và điều chỉnh tiền lương của người lao động phù hợp với tiền lương tối thiểu theo quy định của Chính phủ.

Đa số các doanh nghiệp trên địa bàn TP Hồ Chí Minh tiếp tục thực hiện các nội dung đã thỏa thuận, cam kết trong hợp đồng lao động, thỏa ước lao động hoặc các thỏa thuận hợp pháp khác có lợi hơn cho người lao động, trong đó có chế độ tiền lương trả cho người lao động làm công việc hoặc chức danh đòi hỏi qua học nghề, đào tạo nghề cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu.

Thu nhập từ lương của người lao động không theo kịp mức tăng giá cả sinh hoạt. Ảnh minh họa: Văn Sỹ

Tuy nhiên, UBND TP Hồ Chí Minh cho rằng, việc thực hiện quy định về mức lương tối thiểu và quy định về căn cứ đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp theo Luật Bảo hiểm xã hội đã làm tăng chi phí đóng của doanh nghiệp.

Trong khi đó, quy mô hoạt động sản xuất, kinh doanh không tăng, lợi nhuận không tăng, nhất là trong giai đoạn từ đầu năm 2021 đến nay do ảnh hưởng bởi dịch COIVD-19 là áp lực cho các doanh nghiệp phải tính toán, cân đối kỹ để không ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Theo quy định tại Bộ luật Lao động năm 2019, khi người sử dụng lao động xây dựng thang lương, bảng lương thì không bắt buộc phải gửi về cơ quan quản lý nhà nước về lao động quận, huyện, thành phố Thủ Đức nơi đặt cơ sở sản xuất, kinh doanh của người sử dụng lao động.

Điều này dẫn đến việc cơ quan Nhà nước gặp khó khăn trong việc nắm bắt, theo dõi việc xây dựng và thực hiện thang lương, bảng lương của các doanh nghiệp.

Đơn vị này ghi nhận, nhiều doanh nghiệp có quy định về nâng bậc lương (trong thỏa ước lao động tập thể, quy chế trả lương), tuy nhiên thực tế không áp dụng.

Cụ thể, khi Chính phủ điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng, doanh nghiệp chỉ điều chỉnh tăng thêm tiền lương cho người lao động để đảm bảo phù hợp với mức lương tối thiểu vùng mà không nâng bậc lương cho người lao động theo thỏa thuận.

Nhiều doanh nghiệp có quy định về nâng bậc lương. Ảnh minh họa: Hải Nguyễn

Từ đó, dẫn đến người lao động làm việc lâu năm cũng như người mới tuyển dụng vẫn xếp vào bậc 1 của thang lương, bảng lương, cách tính lương, nâng lương của doanh nghiệp chủ yếu theo khả năng, năng lực người lao động và kết quả kinh doanh của doanh nghiệp do chủ sử dụng lao động tự quyết định.

Ngoài ra, một số doanh nghiệp thực hiện điều chỉnh tăng mức lương tối thiểu trên hệ thống thang lương, bảng lương theo quy định.

Đồng thời, điều chỉnh giảm hoặc bỏ hệ số đã đăng ký thực hiện trước đây. Do đó mức lương của người lao động có tăng nhưng nhìn chung vẫn thấp, thu nhập từ lương không theo kịp mức tăng giá cả sinh hoạt.

Sớm ban hành mức lương tối thiểu

UBND TP Hồ Chí Minh đề nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội báo cáo Chính phủ có các giải pháp hỗ trợ thiết thực cho doanh nghiệp cũng như người lao động, kết nối cung cầu lao động, giúp doanh nghiệp duy trì, phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh và giữ chân người lao động.

Khi công bố tăng mức lương tối thiểu, Chính phủ cần có chính sách kiểm soát chỉ số giá và lạm phát, ổn định giá cả các mặt hàng thiết yếu như giá sữa, xăng dầu, nhu yếu phẩm phục vụ nhu cầu cuộc sống của người lao động.

Mặt khác, cần ban hành và công bố sớm để cộng đồng doanh nghiệp và các cơ quan quản lý Nhà nước ở địa phương tổ chức tốt việc triển khai thực hiện.

Cần có chính sách kiểm soát chỉ số giá và lạm phát khi tăng lương tối thiểu. Ảnh minh họa: Hải Nguyễn

Qua tổ chức lấy ý kiến, UBND TP Hồ Chí Minh thống nhất giữ nguyên phân vùng áp dụng mức lương tối thiểu như hiện nay, cụ thể: Thành phố Thủ đức, các quận và 4 huyện (Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè) thuộc vùng I; huyện Cần Giờ thuộc vùng II.

Theo đó, huyện Cần Giờ vẫn giữ áp dụng mức lương tối thiểu vùng II.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn