MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Anh Phúc luôn mong được tăng lương, đảm bảo cuộc sống. Ảnh: Phương Hân

Tăng lương tối thiểu để người lao động cải thiện thu nhập, cuộc sống bớt khó khăn

Bảo Hân - Minh Phương LDO | 18/12/2023 14:30

Cuộc sống xa quê với nhiều khoản phải trang trải khiến nhiều công nhân khu công nghiệp hầu như không thể tích lũy sau nhiều năm làm việc. Công nhân mong sớm tăng lương tối thiểu vùng để lương cơ bản của họ có thể được thương lượng, điều chỉnh tăng thêm, cải thiện phần nào cuộc sống...

Làm bao nhiêu, tiêu bấy nhiêu

Vợ chồng anh Hoàng Việt Phúc (quê ở Bắc Kạn) đang thuê trọ tại xã Song Khê, TP Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang. Căn phòng nhỏ 15m2 là nơi vợ chồng trẻ này sinh sống; con nhỏ được anh chị gửi về quê. Anh Phúc chia sẻ, anh đã làm việc tại công ty được 5 năm, có thể được coi là thâm niên, nhưng thu nhập khá thấp. Trước đây, anh Phúc làm cho công ty chuyên sản xuất đồ điện tử ở Bắc Ninh, cách đây 4 tháng, anh chuyển về chi nhánh ở Bắc Giang.

“Sau quãng thời gian 5 năm làm việc, lương cơ bản của tôi là 6 triệu đồng/tháng. Bình quân một ngày tôi tăng ca 3 giờ, nếu có nhiều việc thì có thể tăng ca nhiều hơn. Cộng các khoản phụ cấp, tăng ca, thu nhập của tôi khoảng 12-13 triệu đồng/tháng” - nam công nhân kể.

Vợ anh Phúc cũng làm công nhân, nhưng do mới đi làm nên lương khoảng 5 triệu đồng/tháng. Tổng thu nhập của vợ chồng công nhân này “kịch kim” là 18-19 triệu đồng/tháng.

“Nghe qua con số này thì tưởng là cao, sống thoải mái, nhưng thực tế cả năm làm việc gần như vợ chồng tôi kiếm được bao nhiêu, tiêu bấy nhiêu, không dư dả được đồng nào” - nam công nhân sinh năm 1997 cho hay. Anh Phúc mong mỏi lương tối thiểu vùng tăng càng sớm càng tốt. Theo anh, dù hiện nay mức lương cơ bản anh được hưởng đã cao hơn lương tối thiểu vùng áp dụng trên địa bàn công ty đứng chân, nhưng nếu tăng lương tối thiểu vùng thì công đoàn có thể căn cứ vào đó để thương lượng, tăng lương cơ bản cho công nhân. “Tăng thêm được 100.000-200.000 đồng/tháng cũng là điều rất đáng quý, giúp cải thiện phần nào cuộc sống của công nhân” - anh Phúc nói.

Cơ sở để tăng lương cơ bản

Trao đổi với phóng viên sáng 17.12 về vấn đề tăng lương tối thiểu vùng, một chủ tịch công đoàn cơ sở tại Bắc Giang cho biết, hiện nay, tại công ty, lương cơ bản của công nhân đã cao hơn mức lương tối thiểu vùng áp dụng trên địa bàn.

Cụ thể, mức lương tối thiểu hiện áp dụng trên địa bàn công ty đứng chân là vùng III (3.640.000 đồng/tháng), trong khi đó, mức lương cơ bản đối với công nhân thử việc đã là 5 triệu đồng/tháng.
Theo nữ cán bộ công đoàn, việc tăng lương tối thiểu vùng sẽ giúp công đoàn cơ sở ở nhiều nơi khác có thêm điều kiện để có thể tăng lương cơ bản cho công nhân. Tuy nhiên, việc có tăng lương cơ bản hay không và tăng bao nhiêu còn phụ thuộc vào các yếu tố khác, như tình hình kinh doanh của doanh nghiệp, cạnh tranh lao động giữa các công ty…

“Tăng lương tối thiểu vùng sẽ mang lại nhiều lợi ích cho người lao động ở nhiều nơi mà mức lương cơ bản còn thấp, giúp nâng mặt bằng lương của người lao động lên. Doanh nghiệp sẽ phải đảm bảo tiền lương không thấp hơn lương tối thiểu vùng; đồng thời là cơ sở để công đoàn thương lượng tăng lương cho người lao động. Trong bối cảnh đời sống còn nhiều khó khăn, thì người lao động rất mong mỏi được tăng lương, thu nhập, cải thiện cuộc sống” - chủ tịch công đoàn cơ sở nói.

Tương tự, một chủ tịch công đoàn cơ sở tại Bắc Ninh cũng cho hay, hiện lương cơ bản tại công ty (4.750.000 đồng/tháng) đã cao hơn nhiều so với mức lương tối thiểu hiện áp dụng đối với doanh nghiệp (vùng II, 4.160.000 đồng/tháng).

“Mức lương áp dụng cho công nhân trong công ty còn căn cứ vào mức độ đánh giá hoàn thành công việc của công nhân. Tùy mức độ mà công nhân thêm được từ 150.000-250.000 đồng/tháng. Tuy nhiên, xét rộng ra, việc tăng lương tối thiểu sẽ giúp mặt bằng lương chung của công nhân tăng thêm, nên tôi mong muốn sớm tăng và với mức tăng phù hợp.

Tuy nhiên, việc tăng lương phải đi kèm với ổn định giá các mặt hàng thiết yếu, dịch vụ, tránh tình trạng “té nước theo mưa”, lương chưa tăng, giá đã tăng” - chủ tịch công đoàn cơ sở bày tỏ.

Theo đại diện Cục Quan hệ lao động và Tiền lương (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), Hội đồng Tiền lương quốc gia sẽ họp phiên thứ 2 bàn về phương án lương tối thiểu vùng năm 2024 vào ngày 20.12.

Đầu tháng 8, Hội đồng Tiền lương Quốc gia đã họp phiên đầu tiên để bàn thảo về việc điều chỉnh lương tối thiểu vùng năm 2024. Tại phiên họp này, mặc dù đại diện các bên liên quan đều thống nhất cần tăng lương tối thiểu vùng, song chưa thống nhất được thời điểm và mức tăng.

Theo Nghị định 38 của Chính phủ, hiện mức lương tối thiểu tháng đang được áp dụng tại 4 vùng như sau: Vùng 1 là 4.680.000 đồng/tháng; vùng 2 là 4.160.000 đồng/tháng; vùng 3 là 3.640.000 đồng/tháng và vùng 4 là 3.250.000 đồng/tháng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn