MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Việc tăng lương tối thiểu vùng thời điểm này không đủ bù tiền xăng xe nhưng người lao động ở Đà Nẵng không thể chờ đến tháng 1.2023. Ảnh: Tường Minh

Tăng lương tối thiểu: Không đủ bù xăng xe nhưng không nên trì hoãn

Tường Minh LDO | 19/04/2022 15:23

Đà Nẵng - Với người lao động ở Đà Nẵng, việc tăng lương tối thiểu vùng thời điểm này không đủ bù tiền xăng xe nhưng không thể trì hoãn đến tháng 1.2023.

Mỗi tháng thêm 240 ngàn đồng

Chị Linh, 38 tuổi, đang thuê trọ gần Khu công nghiệp Hoà Khánh, thành phố Đà Nẵng, là công nhân của một doanh nghiệp may. Lâu nay, nếu đi làm đủ ngày công và có tăng ca, thu nhập mỗi tháng của chị Linh cũng không vượt qua mức 6 triệu đồng.

Tháng 7 tới, nếu Nghị định về điều chỉnh lương tối thiểu vùng được thông qua như dự định, thu nhập của chị Linh mỗi tháng sẽ được tăng thêm khoảng 240 nghìn đồng.

“Khoảng lương tăng thêm này thực ra không đủ bù cho tiền xăng tăng giá, nhưng dù sao thì có thêm 240 nghìn đồng vẫn còn hơn là không có thêm nghìn nào”, chị Linh nói.

Và chị Linh bất ngờ, có chút lo lắng khi nghe thông tin liên quan đến việc 8 hiệp hội ngành hàng kiến nghị Chính phủ tăng lương tối thiểu vùng từ ngày 1.1.2023 thay vì 1.7 năm nay theo quyết định của Hội đồng tiền lương quốc gia mới đây. “Chờ đến 1.7 là đã quá dài với chúng tôi rồi chứ đừng nói đến hết năm”, chị Linh nói.

Ở Đà Nẵng, dù chưa có các khảo sát chi tiết dựa vào phương pháp “Lương đủ sống Anker” (Living wage) để tính mức lương mà người lao động nhận được để duy trì mức sống bình thường và gia đình như ở TPHCM và một số địa phương khác vì nhiều lý do khác nhau, tuy nhiên theo ước tính của người lao động như chị Linh, thu nhập “tạm sống được” ở Đà Nẵng, ít nhất cũng phải 7 triệu đồng một tháng. Trong khi lương tối thiểu vùng ở Đà Nẵng (vùng II) hiện chỉ có 3.920.000 đồng, tức chỉ hơn 60% lương đủ sống.

“Tạm sống được, là nói về thời điểm trước đây khi xăng và giá cả chưa tăng cao. Còn bây giờ, chúng tôi sống rất khó khăn, phải dè xẻn, cắt xén rất nhiều nhu cầu với mức thu nhập đó. Vậy nên, 240 ngàn đồng tăng thêm, dù không đủ bù tiền xăng nhưng vẫn rất quý và cần thiết đối với chúng tôi thời điểm này”, chị Linh nói.

Hài hoà và chấp nhận được

Anh Nguyễn Văn Long, người lao động tại Khu công nghiệp Hòa Cầm (Đà Nẵng) chia sẻ, tuy mức tăng chưa cao, mỗi tháng anh có thêm khoảng 240 nghìn đồng, nhưng cũng đáp ứng được phần nào nguyện vọng chính đáng của người lao động trong bối cảnh khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh kéo dài cũng như vật giá leo thang.

Đồng thời, việc tăng lương sẽ góp phần tăng thêm sự hài hòa quan hệ giữa người lao động và người sử dụng lao động. “Người lao động chúng tôi mong muốn Hội đồng Tiền lương sẽ sớm trình Chính phủ về phương án tăng lương tối thiểu vùng để Chính phủ quyết định, thực hiện sớm nhất có thể, tốt nhất là từ 1.7 tới đây" -  anh Nguyễn Văn Long nói.

Theo ông Huỳnh Văn Chính, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Dệt may 29/3, việc tăng lương tối thiểu vùng lên 6% là phương án có lợi cho người lao động và chấp nhận được đối với doanh nghiệp.

“Tất nhiên, việc tăng lương tối thiểu vùng cũng sẽ tạo sức ép rất lớn cho doanh nghiệp chúng tôi trong bối cảnh khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh, bởi tăng lương còn đi kèm với tăng phí đóng bảo hiểm xã hội, tăng tiền thưởng trong các dịp lễ, Tết...”.

Tổng giám đốc một doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Đà Nẵng (xin không nêu tên), cũng cho rằng, mức tăng lương tối thiểu 6%, nếu áp dụng từ 1.7.2022 là một phương án chấp nhận được và hài hòa lợi ích cho cả đôi bên. 

“Quan trọng nhất vẫn là làm sao Chính phủ và địa phương có các giải pháp mới, hiệu quả để thúc đẩy được sản xuất, phục hồi kinh tế, từ đó tăng được năng suất lao động, tạo nhiều việc làm, có điều kiện để doanh nghiệp có tài chính tốt hơn từ đó có điều kiện để tăng lương” – Tổng giám đốc doanh nghiệp này chia sẻ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn