MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tiền lương không đảm bảo được cuộc sống tối thiểu cho người lao động. Ảnh: Phương Ngân

Tăng lương tối thiểu vùng để đảm bảo mức sống cho người lao động

Phương Ngân LDO | 19/12/2023 06:27

Doanh nghiệp gặp khó khi đơn hàng giảm, đời sống người lao động cũng không khá hơn vì thu nhập không đủ đáp ứng mức sống tối thiểu.

Quẩn quanh, túng thiếu

Kết quả khảo sát tình hình đời sống, việc làm, tiền lương của người lao động năm 2023 được Viện Công nhân và Công đoàn (Tổng LĐLĐ Việt Nam) công bố vào tháng 8 cho thấy, 75,5% trên số 3.000 người được khảo sát cho biết, thu nhập hiện tại không đáp ứng đủ nhu cầu chi tiêu của họ và 24,5% người lao động cho biết, tiền lương và thu nhập chỉ vừa đủ đáp ứng 100% chi tiêu cho cuộc sống.

Ghi nhận tại một số khu vực trên địa bàn TPHCM trung tuần tháng 12 này, nhiều công nhân cho biết, tình hình sản xuất khó khăn kéo theo thu nhập của công nhân giảm sút. Với những người độc thân chưa lập gia đình, tiền lương chi tiêu gói ghém lắm chỉ vừa đủ, không có khoản tích góp.

Chị Nguyễn Thị Thùy (25 tuổi, quê Hà Tĩnh) - công nhân tại một công ty đóng trên địa bàn Quận 8, chia sẻ, chị chưa lập gia đình, tiền lương mỗi tháng hơn 6 triệu đồng phải chi tiêu cho các khoản như: Tiền trọ, tiền điện nước, ăn uống, xăng xe, tiền gửi về quê phụ giúp ba mẹ... Chưa kể những tháng ốm đau, hiếu hỷ tiền lương không đủ, chị phải vay mượn bạn bè. Cuộc sống của chị ở TPHCM cứ quanh quẩn trong cảnh túng thiếu...

Chị Trần Thị Lệ (47 tuổi, quê Nghệ An) - công nhân tại một công ty may trú đóng trên địa bàn TP Thủ Đức, cho hay, gần một năm qua, công ty chị không tăng ca và cho nghỉ thứ 7, chị chỉ nhận được lương cơ bản 8,5 triệu đồng/tháng (mức lương thâm niên 12 năm).

Do làm lâu năm nên thu nhập của chị cao hơn nhiều công nhân khác, nhưng với mức thu nhập này chị gặp không ít khó khăn khi sống tại TPHCM do chi phí đắt đỏ.

Chị Lệ thuê trọ sống cùng con trai học cấp 3, chị vừa lo cho con ăn học, trả tiền phòng trọ, điện nước, gửi tiền về quê chăm sóc mẹ già bị bệnh, cùng các khoản chi tiêu khác. Với mức lương như thế chị Lệ phải cân đối chi tiêu, tính toán kỹ lưỡng để đảm bảo đủ lo các khoản chi phí.

Theo chị Lệ, chi phí tại TPHCM đắt đỏ, nếu có nhà tại TPHCM thì đỡ được phần nào chi phí, lo toan, nhưng với chị phải thuê trọ, có cố gắng tiết kiệm lắm chỉ vừa đủ chi tiêu, có tháng còn thiếu trước hụt sau.

Mong lương tăng

Chị Liêu Thị Thanh (quê Sóc Trăng), công nhân tại một công ty gỗ trú đóng trên địa bàn TP Thủ Đức, chia sẻ, chị rời quê lên TPHCM từ năm 2005, chưa bao giờ chị thấy tình hình sản xuất khó khăn như hiện nay.

Từ sau dịch COVID-19 đến nay, công ty chị không tăng ca, tiền lương mỗi tháng chỉ hơn 6 triệu đồng, cộng với thu nhập của chồng chị, mỗi tháng tiền lương của hai vợ chồng chỉ được khoảng 12 triệu đồng. Trong khi vợ chồng chị có 2 đứa con đang tuổi ăn học và ba mẹ già phải lo.

Theo chị Thanh, thu nhập thấp nhưng ngoài thị trường hàng hóa tiêu dùng, ăn uống đều đắt đỏ, có ngày tiền chợ đã ngốn hết một nửa số tiền làm được trong ngày, tăng lương là điều mà chị mong mỏi nhất lúc này.

"Mong sao công ty có đơn hàng để được tăng ca và tiền lương cũng được tăng lên để đảm bảo cuộc sống” - chị Thanh chia sẻ.

Ông Nguyễn Công Sơn - Chủ nhà trọ trên địa bàn TP Thủ Đức cho biết, dãy trọ của ông có 16 phòng được ông xây dựng cách đây 11 năm, tất cả người thuê trọ của ông đều là công nhân sản xuất.

Theo ông Sơn, một năm qua, công nhân ở dãy trọ của ông thường xuyên về sớm không được tăng ca, ai cũng than thở về thu nhập.

“Thấy công nhân về sớm không tăng ca, ai cũng than thở lương thấp quá không đủ chi tiêu. Những lúc khó khăn như thế, ngoài ổn định giá phòng thì tôi chỉ có thể giúp được ít rau củ trồng trong vườn để công nhân bớt được phần nào chi phí chứ cũng không biết giúp gì hơn” - ông Sơn nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn