MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Công nhân lao động phấn khởi trước thông tin tăng lương tối thiểu vùng. Ảnh: CĐTN

Tăng lương tối thiểu vùng để lao động đỡ cảnh thắt lưng buộc bụng

Lam Thanh LDO | 22/12/2023 13:34

Thái Nguyên - Việc chốt trình phương án tăng lương tối thiểu vùng mức 6% từ ngày 1.7.2024 khiến không ít công nhân phấn khởi. Đây sẽ là động lực để người lao động gắn bó lâu dài với doanh nghiệp.

Nhiều năm chật vật với cảnh "lương tháng nào hết sạch tháng đó", chị Nguyễn Thị Hoa (SN 1992, khu công nghiệp Yên Bình, Thái Nguyên) phấn khởi trước thông tin được tăng lương tối thiểu vùng.

Chị Hoa đang làm việc tại vùng 2, lương cơ bản gần 7 triệu đồng. Mặc dù, mức lương thực tế công ty trả cao hơn lương tối thiểu vùng, thế nhưng cuộc sống vẫn chật vật. Trừ các chi phí sinh hoạt, gần như hàng tháng, chị không có tiết kiệm.

Nhiều công nhân phấn khởi trước đề xuất tăng lương tối thiểu vùng. Ảnh: Lam Thanh

"Lương tăng sẽ giúp người lao động có thêm 1 khoản để trang trải cuộc sống. Việc được tăng lương thì bất kì công nhân nào cũng phấn khởi, đỡ thắt lưng buộc bụng. Đây sẽ là động lực để người lao động gắn bó lâu dài với doanh nghiệp. Có ổn định cuộc sống, lo được cho gia đình thì công nhân mới yên tâm làm việc", chị Hoa cho hay.

Cũng theo chị Hoa, việc tăng lương tối thiểu vùng sẽ giúp doanh nghiệp thu hút người lao động. Tuy nhiên, cần phải bình ổn giá cả, tránh trường hợp lương tăng, các chi phí sinh hoạt tăng theo.

Còn theo anh Nguyễn Văn Đại (KCN Yên Bình, Phổ Yên, Thái Nguyên), mức lương cơ bản hiện tại là hơn 6 triệu đồng. Số tiền này là lương thực tế đóng bảo hiểm cùng các phụ cấp chuyên cần, nghề... Nguồn thu nhập này nếu trừ các chi phí tiền trọ, điện nước, ăn uống, tiền gửi về quê thì gần như không còn tiết kiệm. Chưa kể, nếu giá cả ngày một tăng thì không thể đảm bảo mức sống.

"Lương tối thiểu vùng tăng sẽ là cơ sở để doanh nghiệp điều chỉnh mức lương hợp lí cho người lao động. Từ đó, nâng cao chất lượng cuộc sống của công nhân. Mong rằng lương tăng nhưng giá cả, các chi phí sinh hoạt vẫn giữ nguyên. Lương tối thiểu vùng tăng từng năm để đáp ứng nhu cầu cuộc sống của người lao động", anh Đại cho biết.

Nguyện vọng của công nhân lao động là tăng mức lương tối thiểu nhưng phải đảm bảo ổn định giá cả. Ảnh: LĐLĐ tỉnh Thái Nguyên

Cũng theo anh Đại, điều chỉnh tăng lương tối thiểu vùng lên 6% sẽ giúp công nhân có thêm thu nhập để cân đối. Từ đó, người lao động thoải mái hơn trong sinh hoạt. Nếu biết chắt chiu hoàn toàn có thể để ra 1 khoản tiết kiệm. Tăng lương tối thiểu vùng sẽ giúp đảm bảo lợi ích hài hòa giữa công nhân và công ty.

Trao đổi với PV Báo Lao Động, ông Lê Văn Thăng - Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam - Thái Nguyên cho biết, hiện đơn vị đang áp dụng mức lương vùng 2. Việc điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng sẽ giúp doanh nghiệp có căn cứ để thương lượng, điều chỉnh lương.

"Phía công ty đang trả cho các công nhân lương cơ bản đang ở mức cao hơn lương tối thiểu. Lương cộng thêm các phụ cấp thì trung bình công nhân được gần 7 triệu đồng/tháng. Việc điều chỉnh lương tối thiểu vùng sẽ giúp đảm bảo cuộc sống cho người lao động ", ông Thăng cho hay.

Ngày 20.12, Hội đồng Tiền lương Quốc gia đã tiến hành bỏ phiếu, chốt phương án tăng lương tối thiểu vùng ở mức tăng bình quân 6% từ ngày 1.7.2024 để trình Chính phủ xem xét quyết định.

Lương vùng 1 nâng lên 4,96 triệu đồng; vùng 2 là 4,41 triệu; vùng 3 là 3,86 triệu và vùng 4 đạt 3,45 triệu đồng.

Trước đó, Tổng LĐLĐVN đã đề xuất 2 phương án điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng từ ngày 1.7.2024, lần lượt các mức tăng là 7,3% và gần 6,5%.

Phương án 1: Điều chỉnh mức lương tối thiểu từ ngày 1.7.2024, với mức tăng từ 250.000 đồng - 320.000 đồng, bình quân tăng 7,3%.

Phương án 2: Điều chỉnh mức lương tối thiểu từ ngày 1.7.2024, với mức tăng từ 220.000 đồng - 290.000 đồng, bình quân tăng 6,48%.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn