MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Tăng lương tối thiểu vùng giúp đồng bào dân tộc thiểu số ổn định cuộc sống

BẢO TRUNG LDO | 31/03/2022 10:47
Đắk Lắk - Đề xuất tăng lương tối thiểu vùng sẽ giúp đồng bào dân tộc thiểu số ở tỉnh này ổn định cuộc sống hơn, giảm bớt gánh nặng trong sinh hoạt hằng ngày.

Vừa qua, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và đại diện của chủ sử dụng lao động là Liên đoàn Thương mại - Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã đề xuất các phương án tăng lương tối thiểu vùng tới Hội đồng Tiền lương Quốc gia.

Liên quan đến vấn đề này, một số chủ sử dụng lao động ở Đắk Lắk và người lao động, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số rất tán đồng. Họ cho rằng, đây là việc làm cần thiết để đảm bảo chi phí sinh hoạt trong bối cảnh giá cả nhiều mặt hàng thiết yếu đang leo thang trong thời gian qua.

Một bộ phận người lao động dân tộc thiểu số ở Đắk Lắk có hoàn cảnh khó khăn. Ảnh minh họa: B.T

Bà Lê Thị Tuyết Hạ - Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thép Đông Nam Á - với quan điểm đồng thuận cho hay, doanh nghiệp ủng hộ việc tăng mức lương tối thiểu vùng trong thời gian tới.

Đơn vị đang có khoảng 600 cán bộ, công nhân lao động và hưởng mức lương trên mức tối thiểu vùng. Tuy nhiên, khi việc nâng mức lương được thông qua, công ty sẽ cân đối doanh thu, tài chính để hỗ trợ thêm tiền lương cho người lao động (với điều kiện kinh doanh có lãi - PV).

Đại diện Công ty TNHH sản xuất thương mại và xây dựng Tùng Bách - cho biết: "Tôi nhận thấy đề xuất tăng lương tối thiểu vùng là hợp lý. Bởi, nhiều công nhân lao động có hoàn cảnh rất khó khăn, chi tiêu thắt lưng buộc bụng, hàng tháng không dư được đồng nào.

Đối với doanh nghiệp, nếu tăng lương cũng không ảnh hưởng nhiều đến quỹ lương hiện tại. Bởi, chúng tôi sẽ cân đối tài chính và đẩy mạnh thêm hoạt động tài chính để xử lý".

Nâng lương tối thiểu vùng sẽ giúp ích rất nhiều cho người lao động. Ảnh: B.T

Một giáo viên hợp đồng ở huyện Cư M'Gar - cho rằng: "Việc nâng mức lương tối thiểu vùng sẽ giúp cho anh chị em giáo viên có thêm thu nhập, trang trải chi phí cuộc sống sinh hoạt. Thời gian qua, nhiều giáo viên mầm non tư thục với đồng lương ít ỏi, lại chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19 lẫn giá xăng dầu leo thang có cuộc sống bấp bênh, rất khó nhọc".

Đại diện Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Đắk Lắk - nhận định: "Việc nâng mức lương tối thiểu vùng để đảm bảo mức sống tối thiểu cho người lao động, giảm khó khăn cho họ, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số. Thực tế, mức lương của người lao động ở tỉnh nhìn chung vẫn đang ở mức thấp so với chi phí sinh hoạt hằng ngày. Việc tăng lương này làm tăng áp lực, quỹ lương cho nhiều doanh nghiệp khi trả lương cho người lao động.

Tuy nhiên, nhìn ở mặt tích cực thì đây còn là động lực để các doanh nghiệp trên địa bàn nỗ lực đẩy mạnh sản xuất, nâng cao lợi nhuận. Người lao động khi nhận thêm lương cũng nỗ lực lao động, cống hiến nhiều hơn cho doanh nghiệp. Đắk Lắk đang có 1,1 triệu người trong độ tuổi lao động, cao nhất vùng Tây Nguyên".

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn