MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
NLĐ trong doanh nghiệp mong muốn được tăng lương, nhưng không được cắt giảm các khoản phụ cấp. Ảnh minh hoạ: Bảo Hân

Tăng lương tối thiểu vùng: Không được cắt giảm phụ cấp của người lao động

Bảo Hân LDO | 18/04/2022 11:15

Trước thông tin lương tối thiểu vùng (LTTV) tăng 6% từ ngày 1.7.2022, nhiều NLĐ và cán bộ công đoàn mong sắp tới lương cơ bản của NLĐ sẽ được tăng tương ứng, tuy nhiên, việc tăng lương này không được đi kèm cắt giảm những khoản phụ cấp.

Công nhân mong tăng lương 

Trao đổi với phóng viên Báo Lao Động, chị Trần Thị Yến (công nhân một công ty may tại thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ) cho biết, lương cơ bản hiện nay của chị là 4,4 triệu đồng/tháng. Mức lương cơ bản này không được tăng trong gần 3 năm nay. Chị Yến được hưởng một số khoản phụ cấp với tổng số tiền khoảng 400.000-500.000 đồng. Đây là các khoản phụ cấp ở mức giống nhau đối với tất cả công nhân. Ngoài ra, chị Yến còn được hưởng một khoản phụ cấp tay nghề - mức này phụ thuộc vào từng công nhân khác nhau. 

“Tổng thu nhập của tôi được khoảng 6 triệu đồng/tháng nếu có tăng ca; nếu không tăng ca, tôi chỉ được khoảng 5 triệu đồng/tháng. Với mức thu nhập này, tôi phải chắt chiu, tằn tiện lắm mới đủ trang trải các chi phí sinh hoạt trong gia đình” - chị Yến cho hay. 

Chị Yến mong sắp tới sẽ được tăng lương cơ bản như mức tăng LTTV. “Tuy nhiên, tôi cũng mong công ty không được cắt giảm các khoản phụ cấp để “bù” lại phần tăng lương này, để đảm bảo thu nhập ổn định cho NLĐ trong bối cảnh giá cả tăng cao như hiện nay” - chị Yến cho hay. 

Khác với chị Yến, chị Trần Thị Duyên (công nhân một Cty chuyên sản xuất sứ của Nhật Bản tại KCN Thăng Long, Đông Anh, Hà Nội) có mức lương cơ bản cao hơn, ở mức 9 triệu đồng/tháng sau hơn 10 năm làm công nhân. Mức lương cơ bản này bao gồm cả tiền thâm niên. Ngoài ra, chị còn được hưởng các khoản phụ cấp như: Nhà ở, đi lại, gia đình, con nhỏ, đời sống, trợ cấp cho phụ nữ, chuyên cần… Mỗi khoản được từ 200-400.000 đồng; tổng các khoản hơn 2 triệu đồng. Công ty không tổ chức làm thêm, nên tổng thu nhập của chị khoảng 11 triệu đồng/tháng. 

“Thu nhập khá, nhưng tôi phải chi rất nhiều khoản. Riêng tiền thuê nhà đã 2-3 triệu đồng; còn bao nhiêu khoản chi nữa. Tháng nào con cái không ốm đau, tôi để đành được 1-2 triệu đồng; còn lại chỉ đủ chi tiêu” - chị Duyên nói. 

Chị Duyên mới biết được thông tin tăng LTTV. Nữ công nhân này cho biết, công ty chị từ trước đến nay thực hiện việc tăng lương nghiêm chỉnh, tăng lương và không cắt giảm các khoản phụ cấp. “Vì vậy, tôi hy vọng công ty sắp tới tăng lương và tiếp tục thực hiện nghiêm túc như từ trước đến nay” - chị Duyên chia sẻ. 

Công đoàn sẽ giám sát việc thực hiện tăng lương 

Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch CĐCS Công ty May xuất khẩu Hà Bắc (Bắc Giang) cho biết, hiện nay, mức lương cơ bản mà công ty chi trả cho công nhân đã cao hơn mức LTTV. “Hằng năm, công ty vẫn tiến hành tăng lương cơ bản cho công nhân. Từ trước đến nay, tại công ty không có việc tăng lương mà lại cắt, giảm các khoản phụ cấp” - ông Hùng nói và cho biết thêm, khi chính thức có nghị định tăng LTTV, CĐCS sẽ họp với lãnh đạo công ty để thương lượng, đưa ra mức tăng cho NLĐ. 

Trao đổi với phóng viên Báo Lao Động, ông Nguyễn Đức Sinh - Chủ tịch CĐ các KCN tỉnh Phú Thọ - bày tỏ quan điểm: Khi có nghị định về tăng lương, công ty cần giữ nguyên các khoản phụ cấp mà công ty đang chi trả; đồng thời có kế hoạch trả lương theo mặt bằng mới. “Không thể có động thái tăng lương thì lại cắt các khoản phụ cấp để bù đắp”- ông Sinh nói. 

Ông Sinh cho rằng, sẽ rất ít doanh nghiệp tăng lương mà cắt giảm các khoản phụ cấp, bởi những khoản này được công nhân nắm rất chắc, đồng thời, những khoản phụ cấp này đều là cơ bản, thiết yếu. “Qua nắm bắt, từ trước đến nay, trong các KCN tỉnh Phú Thọ không có hiện tượng doanh nghiệp tăng lương mà cắt giảm phụ cấp. Trong quý III/2022, CĐ các KCN sẽ phối hợp với Ban quản lý các KCN kiểm tra các doanh nghiệp, nắm bắt tình hình. Khi có nghị định tăng lương chính thức, CĐ các KCN sẽ có chỉ đạo CĐCS tiến hành làm việc với lãnh đạo doanh nghiệp để thương lượng, triển khai và giám sát việc thực hiện tăng lương, chế độ cho NLĐ” - Chủ tịch CĐ các KCN tỉnh Phú Thọ nói.

Theo Khoản 3, Điều 5 Nghị định 90 quy định mức LTTV đối với NLĐ làm việc theo hợp đồng lao động (đang áp dụng): Khi thực hiện mức LTTV vùng quy định tại Nghị định này, doanh nghiệp không được xóa bỏ hoặc cắt giảm các chế độ tiền lương khi NLĐ làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm, làm việc trong điều kiện lao động nặng nhọc, độc hại, chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật đối với các chức danh nghề nặng nhọc, độc hại và các chế độ khác theo quy định của pháp luật lao động. Các khoản phụ cấp, bổ sung khác, trợ cấp, tiền thưởng do doanh nghiệp quy định thì thực hiện theo thỏa thuận trong hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể hoặc trong quy chế của doanh nghiệp.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn