MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chị Quế cùng con gái trong phòng trọ nhỏ ở Bắc Giang. Ảnh: Phương Hân

Tăng lương tối thiểu vùng nhưng giá cả phải được kiểm soát

Bảo Hân - Nguyễn Thị Cẩm Thuỷ LDO | 20/12/2023 12:30

Trước kỳ họp bàn về tăng lương tối thiểu vùng, công nhân ở khu công nghiệp mong lương tăng càng sớm càng tốt; mặt khác, tăng lương cũng phải phù hợp với điều kiện của doanh nghiệp và giá cả phải được kiểm soát.

Mong mỏi được tăng lương

Chị Vũ Minh Quế, quê Quảng Ninh, hiện đang làm công nhân ở Khu công nghiệp Song Khê - Nội Hoàng (Bắc Giang). Chị Quế thuê trọ cùng chồng và con gái 20 tháng tuổi.

Hiện tại, lương cơ bản của chị Quế là 4,2 triệu đồng/tháng, cộng phụ cấp xăng xe, nhà ở, độc hại mỗi loại thêm 300.000 đồng, trừ đi khoản đóng BHXH, lương còn 4,6 triệu đồng/tháng. Lúc công ty nhiều việc, mỗi ngày tăng ca 1 tiếng, nữ công nhận hơn 7 triệu đồng/tháng; hiện tổng thu nhập của chị Quế giảm còn hơn 6 triệu đồng/tháng. Dù vậy, “Lương tháng nào hết sạch tháng đó” - nữ công nhân sinh năm 1994 than thở.

Để tiết kiệm, vợ chồng chị Quế không ăn sáng, bữa chính sẽ là cơm trưa ăn ở công ty, chồng đi xe đạp đi làm, chị phụ trách đưa đón con nên di chuyển bằng xe máy. Trước thềm họp Hội đồng Tiền lương quốc gia, chị Quế chia sẻ, tôi mong lương tăng càng sớm càng tốt. Mặt khác, tăng lương cũng phải phù hợp với điều kiện của doanh nghiệp và giá cả phải được kiểm soát.

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Ngọc Trường - Phó Giám đốc Công ty TNHH Xuất khẩu May Tiến Đạt (huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang) cho hay, hiện tiền lương dùng để đóng BHXH cho công nhân trực tiếp bằng mức lương tối thiểu vùng (vùng III, 3.640.000 đồng) áp dụng trên địa bàn huyện Lạng Giang và 12% của mức lương này.

“Công ty trả lương theo sản phẩm. Tổng thu nhập của công nhân vào khoảng 7-10 triệu đồng/tháng” - ông Trường nói. Vị phó giám đốc này cho biết, công ty sẽ tăng mức lương trả cho công nhân theo đúng quy định.

Lương cơ bản chiếm 76,7% thu nhập hàng tháng

Trao đổi với phóng viên Báo Lao Động ngày 19.12, ông Trần Văn Hiệu - Chủ tịch Công đoàn các Khu công nghiệp tỉnh Bắc Ninh - cho hay, qua khảo sát của công đoàn các khu công nghiệp tỉnh, đại đa số các doanh nghiệp đang trả lương thực tế (lương cơ bản) cao hơn so với mức lương tối thiểu vùng đang áp dụng trên địa bàn từ 15-18%.

“Việc tăng lương tối thiểu vùng sắp tới giúp công đoàn trong doanh nghiệp có cơ sở để có thể thương lượng tăng lương thực tế cho người lao động” - ông Hiệu nói.

Theo khảo sát về tình hình lao động, tiền lương, thu nhập, chi tiêu và đời sống của công nhân lao động năm 2023 do Ban Chính sách - Pháp luật (Tổng LĐLĐVN) phối hợp cùng Viện Công nhân và Công đoàn tiến hành, thu nhập trung bình của 2.982 người lao động tham gia khảo sát đạt 7.885.000 đồng/tháng, trong đó tiền lương cơ bản chiếm 76,7% thu nhập hàng tháng; 23,3% khác đến từ tiền làm thêm giờ và các khoản trợ cấp, phụ cấp của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, có 52,3% người lao động có làm thêm giờ. Số tiền nhận được trung bình từ làm thêm là 1.350.000 đồng/người/tháng (chiếm 17,1% thu nhập trung bình của người lao động).

Cũng theo kết quả khảo sát, chỉ có 24,5% người lao động cho biết, tiền lương và thu nhập chỉ vừa đủ đáp ứng 100% chi tiêu cho cuộc sống; còn lại 75,5% người trả lời cho biết, thu nhập hiện tại không đáp ứng đủ nhu cầu chi tiêu của họ, thậm chí có trường hợp thu nhập chỉ đáp ứng được 45% nhu cầu chi tiêu. Ngoài ra, chỉ có 8,1% người lao động có dư dật, tích lũy từ tiền lương và thu nhập; 11,2% không thể đủ sống, họ phải làm thêm việc khác để kiếm thêm thu nhập…

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn