MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tăng lương tối thiểu vùng để bù đắp chi phí sinh hoạt của người lao động. Ảnh: Nam Dương

Tăng lương tối thiểu vùng từ 7-10% mới đảm bảo đời sống tối thiểu

Nam Dương LDO | 18/12/2023 13:31

Nhiều cán bộ công đoàn cho rằng, trong bối cảnh người lao động (NLĐ) bị mất việc giảm việc, giá cả tăng thì cần phải tăng lương tối thiểu vùng từ 7-10% để bảo đảm đời sống tối thiểu của người lao động.

Tăng lương phải bù đắp được chi phí

Ông Củ Phát Nghiệp - Chủ tịch Công đoàn Công ty PouYuen Việt Nam - cho biết, qua phản ánh của NLĐ, giá cả sinh hoạt của nhiều mặt hàng tiêu dùng đã tăng khoảng 10% so với năm trước. Bên cạnh đó, chỉ tính riêng giá điện trong năm 2023 đã hai lần tăng, một lần tăng 3% từ ngày 4.5 và một lần tăng thêm 4,5% từ ngày 9.11, tổng cộng tăng 7,5% trong năm nay.

Trong khi đó, hiện nay, nhiều CN không có tăng ca, phải giảm giờ làm, thậm chí là mất việc làm, đời sống vô cùng khó khăn.

“Mọi chi phí của cuộc sống đều tăng, tiền gửi con ở nhà trẻ cũng tăng, công nhân hiện đang sống rất vất vả. Vì vậy, cần phải tăng lương tối thiểu vùng khoảng 10% để bù đắp lại những chi phí của NLĐ” - ông Nghiệp kiến nghị.

Bà Lê Thị Thủy - Chủ tịch Công đoàn Công ty May thêu Hà Giang - cũng chia sẻ, thời gian qua, giá cả các mặt hàng đã tăng rất nhiều, vì thế việc tăng lương tối thiểu vùng luôn là mối quan tâm và mong muốn của NLĐ. Tuy nhiên, theo bà Thủy, hiện nay, nhiều doanh nghiệp cũng đang gặp nhiều khó khăn do thiếu đơn hàng phải cho NLĐ nghỉ việc, giãn giờ làm, nên khi tăng lương tối thiểu vùng cũng cần tính toán đến lợi ích của doanh nghiệp. Từ đó, bà Thủy đề xuất mức tăng lương tối thiểu vùng lần này là 7%.

Tăng lương phải đúng ý nghĩa, không chỉ bù đắp trượt giá

Bà Trần Thị Hồng Vân - Chủ tịch Công đoàn Công ty Nissei Electric Việt Nam - phân tích, trong hai năm 2020, 2021 do tình hình khó khăn vì dịch COVID-19, Nhà nước đã không điều chỉnh lương tối thiểu vùng. Đến năm 2022, Chính phủ ban hành Nghị định 38/2022/NĐ-CP (có hiệu lực từ tháng 7.2022), điều chỉnh lương tối thiểu vùng quy định mức cao nhất (vùng 1) là 4,68 triệu đồng. Tuy nhiên, nghị định này lại không quy định mức lương tối thiểu đối với NLĐ đã qua học nghề, đào tạo nghề phải cao hơn 7%, như những nghị định về lương tối thiểu vùng trước, nên rất thiệt thòi cho NLĐ.

Cụ thể, Nghị định 90/2019/NĐ-CP quy định mức lương tối thiểu vùng cao nhất (vùng 1) là 4,42 triệu đồng, nếu cộng thêm 7% đối với những NLĐ đã qua đào tạo nghề, thì sẽ là 4.729.400 đồng (4.420.000 đồng + 309.400 đồng). Trong khi đó, mức lương tối thiểu vùng cao nhất (vùng 1) theo Nghị định 38/2022/NĐ-CP chỉ là 4,68 triệu đồng.

Như vậy, so với quy định tại Nghị định 90/2019/NĐ-CP, thì mức lương tối thiểu vùng cao nhất theo Nghị định 38/2022/NĐ-CP còn ít hơn 49.400 đồng vì không được cộng 7% đối với lao động đã qua đào tạo nghề.

“Đặc biệt, từ tháng 7.2022 đến nay (17 tháng), cũng chưa có quy định mới về tiền lương tối thiểu vùng, trong khi giá cả các mặt hàng, tiền điện, tiền nước, chi phí sinh hoạt liên tục tăng khiến NLĐ phải chịu đựng quá lâu, ảnh hưởng lớn đến đời sống của chính bản thân và gia đình họ” - bà Vân nói.

Chưa kể, mức lương tối thiểu vùng của Nhà nước lại luôn thấp hơn so với thực tế mà doanh nghiệp chi trả. Bà Vân ví dụ, mức lương tối thiểu tại Công ty Nissei Electric Việt Nam áp dụng từ đầu năm 2023 là 5,2 triệu đồng với người chưa được đào tạo nghề, cao hơn 520.000 đồng với mức cao nhất quy định tại Nghị định 38/2022/NĐ-CP. Còn nếu đã qua đào tạo nghề là 5.632.000 đồng, cao hơn 952.000 đồng (20%) với mức cao nhất quy định tại Nghị định 38/2022/NĐ-CP.

Từ đó, bà Vân kiến nghị các cơ quan chức năng khi đàm phán việc tăng lương tối thiểu vùng, cần phải điều tra kỹ lưỡng, đúng nhu cầu sống tối thiểu của NLĐ để quyết định mức lương tối thiểu vùng, sao cho việc tăng lương này phải đúng với ý nghĩa của từ này, chứ không phải chỉ là bù đắp phần trượt giá.

Bà Huỳnh Thị Ngọc Liên - Trưởng Ban nữ công LĐLĐ TPHCM - cho rằng, thực tế giá cả các mặt hàng trong thời gian qua đã tăng nhiều, thịt heo tăng khoảng 10.000 - 20.000 đồng/kg; cá tăng 5.000 - 10.000 đồng/kg, rau, củ, quả cũng tăng vài nghìn đồng/kg. Ngoài ra, các chi phí sinh hoạt khác cũng tăng nên tác động đến đời sống của NLĐ. Vì thế, bà Liên cũng đề xuất nên xem xét tăng lương tối thiểu vùng lần này khoảng 10%.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn