MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
TS Nguyễn Lê Hoa - Trưởng phòng Nghiên cứu năng suất, Viện Năng suất Việt Nam. Ảnh: Ái Vân

Tăng năng suất lao động trước nỗi lo già hoá dân số

VƯƠNG TRẦN LDO | 25/09/2023 09:32

Các chuyên gia cho rằng, nâng cao năng suất lao động là động lực để thúc đẩy tăng trưởng, nâng quy mô của nền kinh tế, đẩy mạnh quá trình tái sản xuất mở rộng, thích ứng với xu thế toàn cầu và chống chọi tốt với các cú sốc từ bên ngoài, cải thiện thu nhập và điều kiện làm việc cũng như tạo việc làm, góp phần thúc đẩy xã hội phát triển lành mạnh, bền vững.

Thiếu hụt lao động lành nghề có kỹ năng cao

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng xác định, đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, nhất là những thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, thực hiện chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Thực tế cho thấy, tăng năng suất lao động là yếu tố quyết định năng lực cạnh tranh của nền kinh tế; là vấn đề sống còn đối với các quốc gia đang phát triển như Việt Nam.

Bên cạnh các chỉ tiêu về tăng trưởng kinh tế, chỉ tiêu tốc độ tăng năng suất lao động cũng được quan tâm. Điều đáng nói, chỉ tiêu này đã 2 năm liên tiếp không đạt kế hoạch. Nếu như năm 2021, chỉ tiêu này chỉ đạt 4,71%, thấp hơn mục tiêu Quốc hội đề ra là 4,8% thì năm 2022, chỉ tiêu này cũng chỉ dừng ở mức 4,8%, tiếp tục không đạt mục tiêu.

Tại Diễn đàn Kinh tế - xã hội Việt Nam 2023 mới đây, TS Nguyễn Lê Hoa - Trưởng phòng Nghiên cứu năng suất, Viện Năng suất Việt Nam - đã chỉ ra nguyên nhân năng suất lao động Việt Nam thấp do cả nguyên nhân khách quan và chủ quan. Cụ thể, tại Việt Nam đang thiếu hụt lao động lành nghề có kỹ năng cao; thành phần kinh tế tư nhân chiếm tỉ trọng lớn nhưng hầu hết là quy mô nhỏ và siêu nhỏ nên khó có thể nâng cao năng suất lao động trong lĩnh vực này.

Theo TS Nguyễn Lê Hoa, thời gian qua, có nhiều chính sách lớn của Đảng, Nhà nước trong thúc đẩy nâng cao năng suất lao động của Việt Nam. Tuy nhiên, quá trình thực thi chính sách còn chậm; các chương trình hỗ trợ cho doanh nghiệp chưa có sự tham gia tích cực từ phía doanh nghiệp.

Vì vậy, thời gian tới, các hoạt động thúc đẩy nâng cao năng suất lao động Việt Nam cần được triển khai mạnh mẽ hơn. Trong đó, tập trung vào liên kết phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương để xây dựng các chính sách đồng bộ và xuyên suốt...

Cách tốt nhất để đạt thịnh vượng trước khi dân số già đi

Trao đổi với Lao Động, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Nguyễn Thị Việt Nga - Phó Trưởng đoàn Chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương - cho rằng, hiện nay, năng suất lao động của Việt Nam vẫn ở mức thấp so với các nước ASEAN.

Bởi vậy, trong những năm tiếp theo, nếu chúng ta không quyết tâm và nỗ lực để nâng cao hơn nữa năng suất lao động thì không thể thu hẹp khoảng cách với các quốc gia và điều này ảnh hưởng rất lớn đến nỗ lực phát triển kinh tế - xã hội, nhất là khi Việt Nam phải đối mặt với tình trạng già hóa dân số, già hóa lao động trong vòng 20 năm tới.

Tại Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2023, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Đức Hiển cho rằng, nâng cao năng suất lao động là động lực để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng quy mô của nền kinh tế, đẩy mạnh quá trình tái sản xuất mở rộng, thích ứng với xu thế toàn cầu và chống chọi tốt với các cú sốc từ bên ngoài; cải thiện thu nhập và điều kiện làm việc cũng như tạo việc làm, góp phần thúc đẩy xã hội phát triển lành mạnh, bền vững.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn