MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cán bộ Công đoàn Khu Kinh tế Bình Định trao quà cho công nhân đang gặp khó khăn do mất việc làm. Ảnh: Xuân Nhàn.

Tăng tốc hỗ trợ người lao động khó khăn

Hà Anh LDO | 08/04/2023 11:56
Theo Nghị quyết số 06/NQ-TLĐ và Quyết định số 6696/QĐ-TLĐ của Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐVN đến hết tháng 5.2023 là phải hoàn thành việc hỗ trợ đoàn viên công đoàn, người lao động bị giảm thời gian làm việc, chấm dứt hợp đồng lao động do doanh nghiệp bị cắt, giảm đơn hàng. Số tiền dự kiến chi cho 53.591 hồ sơ đề nghị hỗ trợ lên đến gần 80 tỉ đồng. Chính vì thế đây là khoảng thời gian tổ chức Công đoàn tăng tốc hỗ trợ người lao động gặp khó.

Ban hành kịp thời chính sách hỗ trợ NLĐ mất việc

Trao đổi với phóng viên, bà Trần Thị Thanh Hà - Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Trưởng ban Quan hệ lao động Tổng LĐLĐVN - cho biết, vừa qua, trước tình hình nhiều đoàn viên công đoàn, người lao động bị giảm giờ làm việc, chấm dứt hợp đồng lao động do doanh nghiệp bị cắt, giảm đơn hàng diễn ra, Công đoàn Việt Nam tiếp tục triển khai các chính sách hỗ trợ nhằm chia sẻ khó khăn với đoàn viên công đoàn, NLĐ, cộng đồng doanh nghiệp.

Theo đó, Tổng LĐLĐVN hỗ trợ đối với đoàn viên công đoàn, người lao động làm việc theo hợp đồng lao động tại các doanh nghiệp có đóng kinh phí công đoàn trước ngày 30.9.2022, đáp ứng các điều kiện, tiêu chí theo quy định tại Nghị quyết số 06/NQ-TLĐ (Nghị quyết 06) và Quyết định số 6696/QĐ-TLĐ của Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐVN và thuộc 1 trong 3 trường hợp sau: Bị giảm giờ làm việc hoặc bị ngừng việc theo khoản 3 Điều 99 Bộ luật Lao động từ 14 ngày trở lên mà có thu nhập của một tháng bất kỳ (trong khoảng thời gian từ tháng 10.2022 đến tháng 3.2023) bằng hoặc thấp hơn mức lương tối thiểu vùng; bị tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương trong thời hạn của hợp đồng lao động từ 30 ngày liên tục trở lên; chấm dứt hợp đồng lao động (trừ trường hợp người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật, bị xử lý kỷ luật sa thải, thỏa thuận nội dung thử việc ghi trong hợp đồng lao động mà thử việc không đạt yêu cầu hoặc một bên hủy bỏ thỏa thuận thử việc, hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hàng tháng). 

Thời gian đoàn viên công đoàn, người lao động bị giảm giờ làm việc, ngừng việc, tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương, chấm dứt hợp đồng lao động thuộc đối tượng xem xét hỗ trợ là từ ngày 1.10.2022 đến hết ngày 31.3.2023.

Mức hỗ trợ đối với đoàn viên công đoàn, người lao động từ 700.000 đồng đến 3 triệu đồng tùy thuộc chính sách và đối tượng cụ thể. Hạn nộp hồ sơ của doanh nghiệp, công đoàn cơ sở, đoàn viên công đoàn, người lao động chậm nhất là ngày 31.3.2023. Các cấp công đoàn sẽ hoàn thành chi hỗ trợ chậm nhất trong tháng 5.2023.

Hơn 17.680 trường hợp đã  nhận hỗ trợ từ Nghị quyết 06 của Tổng LĐLĐVN

Bà Trần Thị Hà cho biết, theo báo cáo chưa đầy đủ của 26 LĐLĐ tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành trung ương, đến hết tháng 3.2023, các cấp công đoàn đã nhận 53.592 hồ sơ đề nghị hỗ trợ cho đoàn viên công đoàn, NLĐ với tổng số tiền dự kiến hỗ trợ là gần 80 tỉ đồng. 

Các cấp công đoàn đã thẩm định, quyết định hỗ trợ cho hơn 17.680 trường hợp đủ điều kiện với tổng số tiền hỗ trợ là 22,73 tỉ đồng. Số hồ sơ đang tiếp tục thẩm định là 35.911 hồ sơ với tổng số tiền dự kiến hỗ trợ là 56,397 tỉ đồng.  

Theo bà Hà, các hoạt động chăm lo nói chung và đặc biệt là việc thực hiện hỗ trợ đoàn viên công đoàn, người lao động bị giảm giờ làm việc, chấm dứt hợp đồng lao động do doanh nghiệp bị cắt, giảm đơn hàng được chi từ nguồn tài chính công đoàn cấp trên cơ sở.

“Cụ thể ở đây là từ nguồn kinh phí công đoàn do các doanh nghiệp đóng theo quy định của Luật Công đoàn. Do đó, trước mắt chúng tôi tập trung hỗ trợ cho đoàn viên công đoàn, NLĐ tại các doanh nghiệp có đóng kinh phí Công đoàn” - Trưởng ban Quan hệ lao động Tổng LĐLĐVN cho hay. 

Qua thống kê của các cấp công đoàn, nhiều đoàn viên công đoàn, người lao động vừa gặp khó khăn khi bị mất việc làm, vừa khó khăn do không đủ điều kiện để nhận hỗ trợ từ chính sách Bảo hiểm thất nghiệp (về tìm kiếm việc làm, hỗ trợ học nghề, trợ cấp bằng tiền hàng tháng), do đó, trong chính sách hỗ trợ lần này, tổ chức Công đoàn Việt Nam tập trung hỗ trợ cho đoàn viên công đoàn, người lao động bị mất việc làm nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp. Đây thực sự là những người hết sức khó khăn, cần được sự hỗ trợ từ nhiều phía.

“Thời gian tới, sau khi đánh giá việc triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết 06 và Quyết định số 6696/QĐ-TLĐ, Tổng LĐLĐVN sẽ nghiên cứu chính sách hỗ trợ cho phù hợp đối với đối tượng mất việc nhưng đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp. Tổ chức Công đoàn Việt Nam luôn nỗ lực cao nhất để đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên công đoàn và người lao động phù hợp với điều kiện thực tiễn và nguồn lực của tổ chức Công đoàn” - bà Trần Thị Thanh Hà khẳng định.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn