MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhà ở xã hội cho công nhân tại huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai. Ảnh: Hà Anh Chiến

Tạo cơ hội cho công nhân có nhà ở, thoát cảnh nhà trọ

HÀ ANH CHIẾN LDO | 15/03/2021 08:20
Tỉnh Đồng Nai có trên 1 triệu lao động, trong đó có đến 60% là lao động nhập cư, sinh sống trong các khu nhà trọ ọp ẹp, thiếu an toàn. Tuy nhiên, việc chăm lo nhà ở cho công nhân lao động tại Đồng Nai đang còn khá hạn chế. Mới đây, UBND tỉnh Đồng Nai mới chấp thuận về mặt chủ trương cho Tổng LĐLĐVN đầu tư xây dựng thiết chế Công đoàn tại quỹ đất phát triển nhà ở xã hội có diện tích 2,3669ha tại huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai, tạo cơ hội cho công nhân có được nhà ở, thoát cảnh nhà trọ.

Công nhân mong chính sách hỗ trợ nhà ở NLĐ

Theo ghi nhận của PV, đa số công nhân đang sinh sống và làm việc tại Đồng Nai là lao động ngoài tỉnh nên có nhu cầu về nhà ở rất lớn. Những địa bàn đang cần nhiều nhà ở cho công nhân như TP.Biên Hòa, các huyện Long Thành, Nhơn Trạch, Trảng Bom. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, các công nhân làm việc tại Đồng Nai chủ yếu phải thuê phòng trọ để sinh sống. Nơi sinh sống nhỏ hẹp, xập xệ, không đảm bảo cho sức khỏe và môi trường thiếu an toàn.

Chị Vũ Thị Duyên (38 tuổi, quê Thái Bình) vào Đồng Nai làm công nhân từ năm 2003 tại Cty Taekwang Vina (KCN Biên Hoà 2, Đồng Nai). Năm vừa qua, do dịch bệnh COVID-19, cuộc sống của chị gặp nhiều khó khăn. Theo chị Duyên, năm qua việc không được tăng ca đã khiến chị mất đi một khoản nguồn thu khoảng 20 triệu đồng khiến thu nhập giảm hẳn. “Công nhân cũng phải chia sẻ với doanh nghiệp trong việc giảm giờ làm, không tăng ca nên nguồn thu nhập chỉ trông vào lương” - chị Duyên nói.

Ngoài ra, do bản thân một mình nuôi con nhỏ mới 4 tuổi bị “rối loại ngôn ngữ” nên toàn bộ số tiền kiếm được ngoài trang trải cuộc sống hằng ngày, chị dành chữa bệnh cho con. Hiện con trai chị Duyên đang theo học ở một trường tư để cải thiện khả năng ngôn ngữ, một tháng đã hết 6,5 triệu đồng.

Ngoài ra, tiền thuê nhà trọ, điện nước cũng đã hết 2 triệu đồng chưa kể tiền ăn uống hàng ngày nên không có dư.

Chị Duyên lo lắng, trong khi thu nhập giảm song vật giá thì biến động thất thường theo chiếu hướng tăng cao. Rồi tiền điện, nước, tiền nhà trọ cũng tăng nên cuộc sống người công nhân ngày càng vất vả.

“Nếu gia đình con cái đều khỏe mạnh không gặp vấn đề gì thì mới tiết kiệm được một khoản tiền nhỏ thôi nhưng vẫn không đủ để mua nhà cửa ở Đồng Nai. Người ta nói có an cư mới lập nghiệp được nhưng tôi thấy khó quá. Hai vợ chồng làm công nhân nuôi 2 đứa con cũng không mua nổi được mảnh đất có đầy đủ pháp lý chứ chưa nói tới xây nhà. Tôi mong muốn địa phương giúp công nhân sở hữu được nhà ở công nhân, có thể bằng hình thức trả góp phù hợp với thu nhập của người lao động” - chị Duyên mong ước.

Đồng Nai xây thiết chế công đoàn phục vụ công nhân

Tương tự, công nhân Trịnh Văn Lợi, ngụ TP.Biên Hòa, Đồng Nai cũng chia sẻ: Người lao động ở Đồng Nai chủ yếu là nhập cư từ các tỉnh về, làm việc với hai bàn tay trắng, nhờ sức lao động lấy đồng lương để sinh sống nên không có nhà ở, phải đi thuê trọ. Nhiều công nhân không trụ nổi đành bỏ về quê, chấp nhận mức lương thấp vì không phải thuê nhà, ăn uống rẻ hơn, không phải tàu xe đi lại dịp Tết.

“Tôi mong cơ quan nhà nước cần có thêm những chính sách tốt hơn nữa để hỗ trợ về nhà ở cho NLĐ, giúp họ đỡ đi một phần cuộc sống” - anh Lợi chia sẻ.

Mới đây, UBND tỉnh Đồng Nai có văn bản về việc thống nhất đầu tư xây dựng thiết chế công đoàn tại huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai. Theo đó, UBND tỉnh Đồng Nai chấp thuận về mặt chủ trương cho Tổng LĐLĐVN đầu tư xây dựng thiết chế Công đoàn tại quỹ đất phát triển nhà ở xã hội có diện tích 2,3669ha tại huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai.

Năm 2017, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án “Đầu tư xây dựng các thiết chế của Công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất”. Đồng Nai trở thành tỉnh trọng điểm để xây dựng thiết chế của Công đoàn, phục vụ đời sống vật chất và tinh thần cho công nhân.

Dự kiến ban đầu, dự án thiết chế của Công đoàn trên địa bàn Đồng Nai với diện tích trên 3ha, quy mô đầu tư gồm các khối chung cư nhà ở công nhân, các khối nhà ở thấp tầng, nhà văn hóa đa năng sức chứa ít nhất 500 người, quảng trường trung tâm sức chứa 5.000 người, siêu thị Công đoàn, văn phòng tư vấn pháp luật, nhà thuốc, phòng khám bệnh, hệ thống dịch vụ phục vụ đời sống, văn hóa, xã hội của công nhân, hệ thống vườn hoa, cây xanh, sân thể thao…

Tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 350 tỉ đồng, nguồn vốn từ ngân sách Trung ương hỗ trợ, nguồn tài chính tích lũy của Tổng LĐLĐVN và vốn vay ưu đãi.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn