MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hội thảo góp ý dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi). Ảnh: Văn phòng Quốc hội

Tạo cơ sở đổi mới và nâng cao vị thế của tổ chức Công đoàn

Phạm Đông LDO | 29/03/2024 09:47

Ngày 28.3, tại Hà Nội, nhằm góp phần hoàn thiện dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) và cung cấp thông tin phục vụ phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 4.2024 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Viện Nghiên cứu lập pháp tổ chức hội thảo “Góp ý dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi)”. TS Nguyễn Văn Hiển - Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp - chủ trì hội thảo.

Giải quyết các vướng mắc, bất cập từ thực tiễn

Theo Văn phòng Quốc hội, dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) gồm 6 chương, 35 điều quy định về quyền thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn của người lao động; quyền gia nhập Công đoàn Việt Nam của tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp; chức năng, nhiệm vụ, quyền, trách nhiệm của Công đoàn; quyền, trách nhiệm của đoàn viên công đoàn; trách nhiệm của Nhà nước, cơ quan Nhà nước, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, người sử dụng lao động đối với Công đoàn; bảo đảm hoạt động của Công đoàn; giải quyết tranh chấp và xử lý vi phạm pháp luật về công đoàn.

Cho ý kiến tại hội thảo, các đại biểu tán thành cao sự cần thiết sửa đổi Luật Công đoàn nhằm giải quyết các vướng mắc, bất cập từ thực tiễn, tiếp cận và xử lý các vấn đề mới phát sinh, tạo cơ sở cho sự đổi mới và nâng cao vị thế, hiệu quả hoạt động của tổ chức Công đoàn, đồng thời nhất trí với nhiều nội dung cơ bản tại dự thảo luật.

Tuy nhiên, để tiếp tục hoàn thiện dự luật, các đại biểu góp ý vào một số vấn đề trọng tâm liên quan đến: Tính thống nhất của dự thảo Luật đối với hệ thống pháp luật Việt Nam; tính tương thích của dự thảo Luật với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; trách nhiệm của Nhà nước, đơn vị sử dụng lao động đối với công đoàn...

Theo đánh giá của các đại biểu so với Luật Công đoàn năm 2012, dự thảo luật đã kế thừa các thành tựu của Luật hiện hành; đồng thời đã cụ thể hóa được chủ trương, đường lối của Đảng, Hiến pháp và Bộ luật Lao động hiện hành.

Kinh phí hỗ trợ cho phát triển quan hệ lao động là cần thiết

Liên quan đến vấn đề về kinh phí công đoàn, các đại biểu cho rằng, mục tiêu của việc xây dựng quan hệ lao động là hướng đến đảm bảo hài hòa, ổn định, tiến bộ và cần phải có nhiều cơ chế để hỗ trợ cho hoạt động này. Qua đó, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, cải thiện điều kiện làm việc, nâng cao đời sống người lao động, bảo đảm an sinh xã hội, an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Các đại biểu nhận định, việc quy định về nguồn tài chính công đoàn, kinh phí hỗ trợ cho phát triển quan hệ lao động là cần thiết và phù hợp.

Nhằm hoàn thiện nội dung này, các đại biểu cũng lưu ý cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục nghiên cứu để điều chỉnh mức phân phối kinh phí công đoàn cho phù hợp. Theo đó, tăng thêm tỉ lệ phân phối kinh phí công đoàn cho công đoàn cơ sở và tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp để chăm lo cho người lao động và tổ chức thực hiện.

Ngoài ra, qua thảo luận, một số ý kiến đại biểu cũng kiến nghị cơ quan soạn thảo rà soát, nghiên cứu để luật hóa quyền thương lượng tập thể cho lao động tự làm/tự do; cụ thể hóa nguyên tắc công đoàn độc lập với người sử dụng lao động; quy định cụ thể cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp dành ít nhất 25% thời gian làm việc trong tháng hoặc năm để cán bộ công đoàn không chuyên trách hoạt động công đoàn.

Kết luận hội thảo, Viện trưởng Nguyễn Văn Hiển nêu rõ, với tinh thần khẩn trương, trách nhiệm cao, hội thảo đã hoàn thành toàn bộ chương trình đề ra. Các ý kiến phát biểu đều tán thành cao sự cần thiết sửa đổi Luật Công đoàn, đồng thời góp ý toàn diện vào các nội dung, chính sách cơ bản nhằm tiếp tục hoàn thiện dự thảo luật.

Ghi nhận và đánh giá cao ý kiến tham luận, góp ý của các chuyên gia, nhà khoa học, Viện trưởng Nguyễn Văn Hiển cho biết, nội dung góp ý tại hội thảo sẽ được nghiên cứu, tổng hợp đầy đủ phục vụ cho quá trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan chức năng cho ý kiến, hoàn thiện dự án luật.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn