MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Công đoàn Khu CNC&CKCN Đà Nẵng tổ chức đối thoại, trả lời những thắc mắc cho người lao động nhóm tụ tập đông người. Ảnh: Tường Minh

Tạo diễn đàn để xử lý quan hệ lao động khi có tranh chấp

Tường Minh LDO | 18/01/2024 14:25

Phân loại, xác định thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động, trách nhiệm của các cấp công đoàn, từ đó xây dựng phương án giải quyết phù hợp... là một trong những kinh nghiệm hay của Công đoàn Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng.

Giải quyết bằng thương lượng

Công đoàn Khu Công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng (Công đoàn Khu) có 150 CĐCS trực thuộc với hơn 36 ngàn đoàn viên, người lao động.

Tình hình lao động, việc làm cuối năm 2023, đầu năm 2024 có nhiều biến động theo chiều hướng giảm lao động do nhiều doanh nghiệp trong tình trạng không có hoặc giảm đơn hàng, nhất là ngành may mặc. Một số ngành nghề khác như gỗ, thủy sản, giày da, điện tử việc làm cơ bản ổn định hơn đầu năm.

Bà Lê Thị Ngọc Oanh, Phó Chủ tịch Công đoàn Khu cho biết: Năm 2023, quan hệ lao động tại các doanh nghiệp trong Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng phát sinh nhiều vụ việc liên quan đến tranh chấp lao động tập thể của nhóm người lao động có quyền và lợi ích giống nhau.

Nội dung các tranh chấp lao động chủ yếu liên quan đến vấn đề tiền lương, tiền thưởng và việc làm. Hầu hết các tranh chấp lao động đều được giải quyết thông qua con đường thương lượng, hòa giải, thỏa thuận, không có tranh chấp lao động được hỗ trợ, ủy quyền giải quyết bằng con đường tòa án...

Cụ thể các vụ việc tranh chấp được quy về 3 nhóm gồm: Tranh chấp lao động tập thể giữa nhóm người lao động; Tranh chấp lao động cá nhân theo đơn kiến nghị và hỗ trợ Công đoàn cơ sở về vấn đề người lao động lãn công, tự ý giãn công việc làm giảm năng suất lao động, giảm chất lượng sản phẩm, phản ứng tự ý bỏ việc do doanh nghiệp nợ lương, nợ bảo hiểm xã hội...

Nắm chắc thông tin từ Công đoàn cơ sở

Theo bà Lê Thị Ngọc Oanh, khi có khiếu nại đông người, Công đoàn Khu đã phối hợp với Ban Quản lý Khu, Sở LĐTBXH cùng các cơ quan có liên quan, mời đại diện công ty và toàn bộ người lao động cùng gặp nhau để tổ chức đối thoại.

Tập hợp những ý kiến mà người sử dụng lao động chưa trả lời hoặc trả lời chưa thỏa đáng để tiếp tục kiến nghị, làm việc với người sử dụng lao động ở phiên làm việc riêng.

“Với trách nhiệm của tổ chức Công đoàn, chúng tôi luôn quan tâm động viên, chia sẻ tinh thần, tìm nguồn hỗ trợ về mặt vật chất, giới thiệu công việc mới, tạo điểm tựa cho đoàn viên, người lao động trong lúc khó khăn” - bà Oanh cho biết.

Đối với nhóm tranh chấp lao động cá nhân theo đơn kiến nghị, Công đoàn Khu tiếp nhận và giải quyết theo quy trình giải quyết đơn kiến nghị, nắm thông tin từ công đoàn cơ sở, doanh nghiệp và người lao động, đăng ký làm việc với doanh nghiệp, CĐCS với vai trò “hòa giải viên công đoàn”. Sau đó tập trung phân tích, giải thích quyền lợi, trách nhiệm của các bên theo quy định pháp luật và hướng dẫn các bên thỏa thuận đảm bảo hài hòa lợi ích...

Đối với nhóm vấn đề thứ ba, Công đoàn Khu sẽ hỗ trợ các CĐCS giải quyết tranh chấp lao động, hạn chế lãn công, đình công, ngừng việc tập thể không đúng quy định. Công đoàn Khu giải quyết theo hướng nắm chắc thông tin từ Công đoàn cơ sở, nguyên nhân, lý do vì sao xảy ra tình trạng người lao động lãn công, giảm chất lượng sản phẩm, tự ý bỏ vị trí làm việc, bỏ việc không có lý do chính đáng... từ đó tư vấn, hỗ trợ cho cán bộ công đoàn có phương án tham gia cùng ngưởi sử dụng lao động giải quyết hiệu quả.

“Ngoài ra, đối với những vụ việc phức tạp, cán bộ công đoàn cơ sở không đủ kỹ năng xử lý tình huống, Công đoàn Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp đến doanh nghiệp để tiếp cận người lao động, tạo diễn đàn cho lãnh đạo doanh nghiệp, cán bộ công đoàn, người lao động đối thoại. Đồng thời, bằng nhiều kỹ năng tuyên truyền, thuyết phục, động viên, hỗ trợ, chia sẻ khó khăn để người lao động quay trở lại làm việc” - bà Oanh nói.

Theo bà Oanh, một trong những kinh nghiệm hiệu quả mà Công đoàn Khu đã thực hiện trong nhiều năm qua chính là phân loại tranh chấp lao động, xác định thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động, trách nhiệm của các cấp công đoàn. Từ đó xây dựng phương án giải quyết phù hợp, đảm bảo hiệu quả, tăng cường trách nhiệm của tổ chức Công đoàn, cơ quan quản lý Nhà nước, hài hòa lợi ích của các bên trong quan hệ lao động.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn