MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ảnh từ phải qua: Ông Lê Đình Quảng - Phó Trưởng ban Chính sách - Pháp luật (Tổng LĐLĐVN); bà Đỗ Thị Lan - Phó Chủ nhiệm Ủy ban xã hội của Quốc hội; ông Nguyễn Văn Đông - Phó Chủ tịch Thường trực Công đoàn Viên chức Việt Nam - đồng chủ trì diễn đàn. Ảnh: Quế Chi

Tạo điều kiện để NLĐ trực tiếp tham gia xây dựng chính sách, pháp luật

Quế Chi LDO | 01/12/2023 09:56

Làm thế nào để huy động được người lao động trực tiếp tham gia xây dựng chính sách, pháp luật là một trong nội dung được các đại biểu tập trung thảo luận tại Diễn đàn “Nâng cao chất lượng hoạt động tham gia xây dựng chính sách, pháp luật của tổ chức Công đoàn đảm bảo quyền lợi của người lao động”, diễn ra vào ngày 30.11.

Tận dụng mạng xã hội

Bà Lê Hồng Quyên - Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty Cổ phần Môi trường đô thị Cà Mau - cho biết, trong nhiệm kỳ qua, Ban Chấp hành Công đoàn đã phối hợp với Ban lãnh đạo Công ty tổ chức nhiều hoạt động, với nhiều phương thức để lấy ý kiến, phát huy tốt vai trò của người lao động trực tiếp và cán bộ công đoàn cơ sở trong tham gia xây dựng chính sách, pháp luật với nhiều kết quả tích cực.

Một trong những cách thức để ghi nhận ý kiến của người lao động là qua mạng xã hội. Công đoàn công ty đã mạnh dạn thay đổi hình thức lấy ý kiến tham gia, bày tỏ quan điểm, nêu nguyện vọng của người lao động đối với các dự thảo chính sách, dự thảo quy định mới của pháp luật thông qua các phương tiện điện tử, các trang mạng xã hội thay vì in, đưa dự thảo văn bản giấy cho người lao động. Hiệu quả mang lại rất tích cực, mỗi vấn đề nêu ra đã thu nhận được rất nhiều bình luận hay với nhiều ý kiến góp ý sâu sắc, thực tiễn.

Bên cạnh đó, thông qua các sân chơi của công nhân, công đoàn đã chọn vấn đề, biên tập nội dung phù hợp, có liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích của đoàn viên, người lao động thành những tình huống cụ thể để người lao động nghiên cứu, nêu hướng giải quyết. Những tình huống đó không đặt nặng yêu cầu đúng sai, mà quan trọng là để người lao động nêu lên ý tưởng của mình.

Theo đánh giá của công đoàn cơ sở, đây là cách thiết thực để người lao động được trực tiếp tham gia nghiên cứu, góp ý trong tham gia xây dựng chính sách, pháp luật tại cơ sở. Ngoài ra, công đoàn cơ sở còn thông qua diễn đàn hội nghị người lao động; qua công tác đối thoại…

Phát biểu tại diễn đàn, TS. Bùi Sỹ Lợi - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội (nay là Ủy ban Xã hội của Quốc hội) cho rằng, để huy động đoàn viên công đoàn, người lao động tham gia xây dựng chính sách pháp luật, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, tạo sức lan tỏa, hấp dẫn đối với người lao động; ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin để các chủ trương, chỉ đạo và những thông tin cần thiết của tổ chức Công đoàn đến được với số đông người lao động trong công tác xây dựng chính sách pháp luật…

Bảo vệ người lao động từ xa

Ông Ngọ Duy Hiểu - Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN, Chủ tịch Công đoàn Viên chức Việt Nam - cho hay, thời gian qua, trong việc xây dựng chính sách pháp luật phải hướng tới cách tiếp cận người lao động không chỉ là người thụ hưởng mà còn phải là người trực tiếp, chủ thể xây dựng chính sách. “Muốn đạt được mục tiêu trên, cần lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, suy nghĩ, trăn trở của người lao động để quy định trong luật” - ông Ngọ Duy Hiểu nói.

Theo ông Ngọ Duy Hiểu, nhiệm vụ chính của Công đoàn là tham gia xây dựng pháp luật. Theo Điều 10 Hiến pháp, chức năng, nhiệm vụ đầu tiên của Công đoàn Việt Nam là đại diện cho người lao động, chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động. Để thực hiện tốt được chức năng này thì một trong những phương thức hoạt động là xây dựng và tham gia xây dựng chính sách, pháp luật.

Đại hội XII Công đoàn Việt Nam đã xác định việc tham gia xây dựng chính sách, pháp luật là một biện pháp để bảo vệ người lao động từ xa, trên diện rộng và có hiệu quả.

Ông Ngọ Duy Hiểu phân tích, giải quyết những vụ việc cụ thể, tình huống thực tế thì đối tượng thụ hưởng rất ít; để rộng hơn về đối tượng, cao hơn về lợi ích thì phải cần xây dựng chính sách, pháp luật.

Ông Ngọ Duy Hiểu cho biết, các ý kiến tại diễn đàn chuyên đề vừa phục vụ việc hoàn thiện văn kiện Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam, vừa là cẩm nang trong thực hiện nhiệm vụ tham gia xây dựng chính sách pháp luật để bảo đảm quyền lợi người lao động trong thời gian tới.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn