MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Trao thưởng sáng kiến của công nhân lao động ngành Công thương Hà Nội - một trong những hoạt động tạo động lực cho phong trào thi đua do Công đoàn tổ chức. Ảnh: Linh Nguyên

Tạo động lực cho tăng trưởng hậu COVID - 19

Hải Anh LDO | 01/05/2021 07:30
Nhân ngày Quốc tế Lao động (1.5), TS Chang-Hee Lee, Giám đốc ILO Việt Nam, đã có những chia sẻ về vai trò của Công đoàn Việt Nam. Trong đó, theo TS Chang-Hee Lee, trong 20 năm qua, Công đoàn Việt Nam đã có nhiều đổi mới quan trọng tập trung vào vai trò và chức năng cơ bản của mình. Nếu Công đoàn đàm phán tiền lương hiệu quả thì sẽ góp phần mở rộng thị trường nội địa, tạo động lực cho tăng trưởng hậu COVID - 19.

Một trong những ví dụ về đổi mới của Công đoàn Việt Nam mà TS Chang-Hee Lee đề cập là phương pháp mới về tổ chức kết nạp đoàn viên. Ông phân tích phương pháp mới về tổ chức kết nạp đoàn viên của Công đoàn, được gọi là phương pháp tổ chức “từ dưới lên”. Khoảng 10-20 năm trước, Liên đoàn lao động tỉnh đến gặp các doanh nghiệp và hỏi chủ sử dụng lao động xem họ có cho phép thành lập Công đoàn không. Khi chủ sử dụng lao động đồng ý, Liên đoàn lao động tỉnh sẽ để chủ sử dụng lao động tự thành lập Công đoàn. Nhưng theo phương thức tổ chức từ dưới lên, Liên đoàn lao động tỉnh sẽ đến gặp và nói chuyện với người lao động trước tiên. Do đó sẽ xây dựng được mối liên kết chặt chẽ giữa người lao động, Công đoàn cơ sở và Liên đoàn Lao động tỉnh

Tiếp theo, nếu nhìn vào Thỏa ước lao động tập thể khoảng 10-20 năm trước thì đó chỉ đơn thuần là việc ký kết các thỏa thuận mà không có thương lượng thực chất giữa người lao động và chủ sử dụng lao động. Nhưng giờ đây, chúng ta có thể thấy quá trình thương lượng thực sự giữa hai bên, dù không phải ở tất cả nhưng đã diễn ra ở khá nhiều doanh nghiệp.

Cũng trước kia, Thỏa ước lao động tập thể chỉ được thỏa thuận ở cấp doanh nghiệp. Nhưng hiện nay tại nhiều địa phương đã có Thỏa ước lao động tập thể nhóm doanh nghiệp. Điều kiện lao động trong cùng một ngành và ở cùng một địa phương tương đối giống nhau. Vì thế, không có lý do gì để tổ chức đàm phán tại từng doanh nghiệp đơn lẻ. Do đó, Thỏa ước lao động tập thể nhóm doanh nghiệp là một bước tiến, một điểm đổi mới quan trọng của Công đoàn.

Nội dung Thỏa ước lao động tập thể, so với 10 năm trước đây, có thể thấy sự tiến bộ trong lĩnh vực này. Đã có thêm nhiều doanh nghiệp có Thỏa ước thương lượng tập thể và có thêm nhiều thỏa ước có các điều khoản ở mức cao hơn so với quy định của pháp luật. Nhưng có một điểm thường bị thiếu ở phần lớn các Thỏa ước lao động tập thể – đó chính là tiền lương.

Tiền lương là kết quả của thương lượng tập thể, có vai trò quan trọng không chỉ giúp cải thiện điều kiện làm việc, điều kiện sống của người lao động và gia đình họ, mà còn giúp chia sẻ phồn thịnh trong toàn xã hội và nền kinh tế. Khi tiền lương được xác lập thông qua thương lượng tập thể, người lao động có thể dành được phần phân chia lớn hơn từ việc tăng năng suất lao động của Công ty, nhờ có được năng lực thương lượng mạnh hơn, so với trường hợp tiền lương không được xác lập thông qua thương lượng tập thể. Điều này đảm bảo sự phân chia công bằng hơn về thành quả kinh tế giữa chủ sử dụng lao động và người lao động.

Việt Nam có tham vọng vươn lên từ một quốc gia thu nhập trung bình thấp trở thành quốc gia thu nhập trung bình cao. Để đạt được vị thế đó, Việt Nam không thể chỉ dựa vào đòn bẩy xuất khẩu, mà còn phải dựa cả vào động cơ quan trọng là tiêu dùng nội địa để phát triển kinh tế. Cầu nội địa đến từ tiêu dùng nội địa bởi người dân Việt Nam, mà phần lớn là người lao động. Vì thế sức mua của người lao động tăng cao hơn đóng vai trò quan trọng và sức mua cao hơn đến chính từ tiền lương cao hơn.

Với COVID-19, Việt Nam cần khám phá lại tầm quan trọng của người lao động không chỉ ở cương vị của người làm ra sản phẩm, mà còn ở cương vị người tiêu dùng (điều này có thể thấy rõ qua lĩnh vực du lịch). Họ chính là một trong hai động cơ của phát triển kinh tế song hành với động cơ còn lại là người tiêu dùng nước ngoài mua hàng xuất khẩu của Việt Nam.

Với vai trò của Công đoàn, nếu Công đoàn có thể đại diện cho tiếng nói của người lao động tốt, đàm phán tiền lương tốt thì Công đoàn có thể góp phần tạo ra một thị trường nội địa lớn hơn và sự phát triển kinh tế cân bằng hơn, dẫn tới sự phồn thịnh được chia sẻ công bằng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn