MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao để vượt qua thách thức của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Ảnh Hải Nguyễn

Tạo động lực phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao từ cách mạng 4.0

VƯƠNG TRẦN LDO | 29/08/2021 19:52

Để tiếp tục phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, có hiệu quả, đòi hỏi cần phải thường xuyên điều chỉnh, bổ sung và hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách nhằm tạo hành lang pháp lý, tạo thuận lợi cho việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ở nước ta trước tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Tạo môi trường thuận lợi phát triển nguồn nhân lực, khuyến khích phát triển thị trường nguồn nhân lực chất lượng cao

Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đang ở giai đoạn đầu, giai đoạn bản lề cho các nước đang phát triển tiến đến theo kịp với xu hướng thế giới. Tuy nhiên, những yếu tố được coi là ưu thế của các nước đang phát triển trong đó có Việt Nam như lực lượng lao động thủ công trẻ, chi phí thấp sẽ không còn.

Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa XII nhấn mạnh: “Phát triển nguồn nhân lực (NNL), nhất là nhân lực chất lượng cao, tranh thủ những cơ hội và thành tựu của Cuộc CMCN 4.0”.  Để thực hiện tốt nội dung này đòi hỏi phải có một chiến lược tổng thể và lâu dài, với hệ thống các giải pháp mang tính đồng bộ, thiết thực và khả thi.

ThS Nguyễn Như Mai (Công đoàn Ngành Thông tin Truyền thông) cho rằng để phát triển NNL chất lượng cao, trước tiên cần tập trung xây dựng và hoàn thiện chiến lược tổng thể, hệ thống cơ chế, chính sách về phát triển NNL chất lượng cao. 

Theo đó, hệ thống cơ chế, chính sách có vai trò rất quan trọng, tác động trực tiếp hoặc gián tiếp, tạo động lực thúc đẩy hoặc lực cản kìm hãm sự phát triển của nền kinh tế - xã hội nói chung và phát triển NNL chất lượng cao nói riêng. 

Trên thực tế, những năm qua, nước ta đã có nhiều cơ chế, chính sách mới có tác động tích cực đến việc phát triển NNL chất lượng cao. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, các chính sách đó đã bộc lộ không ít hạn chế, bất cập, hiệu quả mang lại chưa tương xứng. Để tiếp tục phát triển NNL chất lượng cao, có hiệu quả, đòi hỏi cần phải thường xuyên điều chỉnh, bổ sung và hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách nhằm tạo hành lang pháp lý, tạo thuận lợi cho việc phát triển NNL chất lượng cao ở nước ta trước tác động của cuộc CMCN 4.0.

Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cần tạo động lực, cơ hội để bứt phá. Ảnh Hải Nguyễn

Việc đổi mới, hoàn thiện cơ chế, chính sách để tạo động lực cho sự phát triển NNL chất lượng cao phải được thực hiện đồng bộ trên nhiều phương diện như giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, môi trường làm việc, chính sách việc làm, thu nhập, an sinh xã hội, bảo hiểm, bảo trợ xã hội, chăm sóc sức khỏe, chính sách phát triển thị trường lao động, các điều kiện nhà ở, sinh sống, định cư... 

“Nhà nước cần tiếp tục đổi mới thể chế, hoàn thiện hành lang pháp lý từ Trung ương đến địa phương nhằm tạo môi trường thuận lợi phát triển NNL, khuyến khích phát triển thị trường NNL chất lượng cao; thị trường và sản phẩm khoa học - công nghệ theo hướng hội nhập, xây dựng môi trường pháp lý cho phát triển các ngành, nghề kinh doanh mới ở Việt Nam đang bắt đầu nảy sinh từ cuộc CMCN 4.0” - bà Mai nói.

Kết hợp chặt chẽ quá trình đào tạo và bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao

Cùng trao đổi về việc này, ThS Ngô Văn Khiêm (Tạp chí Xây dựng Đảng) cho rằng, cần gắn kết chặt chẽ giữa quá trình đào tạo với bồi dưỡng và sử dụng NNL chất lượng cao. Đảng ta khẳng định: “Xây dựng chiến lược phát triển NNL cho đất nước, cho từng ngành, từng lĩnh vực, với những giải pháp đồng bộ, trong đó tập trung cho giải pháp đào tạo, đào tạo lại NNL trong các nhà trường”. 

Điều này đặt ra yêu cầu rất cao đối với NNL chất lượng cao. Vì vậy, các cơ sở đào tạo phải luôn coi trọng quản lý tốt chất lượng “sản phẩm đầu ra” thông qua các hình thức đánh giá năng lực thực hành của học viên trong quá trình đào tạo, phúc tra kết quả đào tạo, kết quả tốt nghiệp… thay cho cách quản lý “sản phẩm đầu vào” như hiện nay.

Theo ThS Khiêm, các cơ sở đào tạo cũng cần trang bị cho học viên, nghiên cứu sinh các kỹ năng cần thiết như: giao tiếp, nghiên cứu tài liệu nước ngoài, sử dụng công nghệ thông tin, sự sáng tạo, thích nghi, nắm bắt được xu thế phát triển của xã hội… nhằm đảm bảo sự gắn kết chặt chẽ giữa đào tạo với sử dụng, đáp ứng yêu cầu đang đặt ra. Việc lựa chọn nguồn đi đào tạo, bồi dưỡng không chỉ đặt lên hàng đầu tiêu chí về nhận thức mà còn phải rất coi trọng đến các vấn đề ngoại ngữ, tin học, bản lĩnh chính trị, đạo đức nghề nghiệp, năng lực lãnh đạo, quản lý.

Cần kết hợp chặt chẽ quá trình đào tạo và bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao. Ảnh CN

Đặc biệt, các cơ sở đào tạo cần phải dân chủ, công khai các tiêu chí, hướng đi học và sử dụng cán bộ để làm tăng tính tích cực, chủ động cho cả người học và đơn vị sử dụng. Trong sử dụng nhân lực, không quá phụ thuộc vào vấn đề bằng cấp mà coi trọng đến hiệu quả công việc. Để đạt được, cần thường xuyên bồi dưỡng, rèn luyện đội ngũ này trong các hoạt động thực tiễn, sau đó mới bố trí, sử dụng theo đúng năng lực, trình độ nhằm phát huy vai trò, thế mạnh của họ theo chuyên ngành đào tạo, khắc phục được tình trạng lãng phí hoặc chảy máu “chất xám” ở một số nơi hiện nay.

Các chuyên gia cũng cho rằng, cần tận dụng hiệu quả các cơ hội, nỗ lực đổi mới hệ thống giáo dục Việt Nam: Cụ thể là cần tiếp tục gia cố những yếu tố nền móng, đổi mới tư duy về phát triển giáo dục trong tổng thể chiến lược phát triển của quốc gia. Mục tiêu là đào tạo đội ngũ lao động chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước, cụ thể là chuyển từ biệt lập, tự phát về số lượng sang chất lượng, có kết nối giữa đào tạo và sử dụng lao động, từ cách đào tạo làm cho người học thụ động sang chủ động sáng tạo, không ngại đương đầu với khó khăn, thách thức.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn