MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Xưởng kính của anh Lê Văn Lợi (bên phải) tạo việc làm, thu nhập ổn định cho nhiều lao động tại địa phương. Ảnh: Văn Tùng

Tạo việc làm cho người lao động từng lầm lỡ

Văn Tùng LDO | 30/10/2023 09:10

Kịp thời kết nối, tạo việc làm cho lao động đã chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương không chỉ giúp họ sớm có thu nhập, ổn định cuộc sống mà còn đẩy nhanh quá trình tái hoà nhập cộng đồng, xoá bỏ mặc cảm của những người từng một thời lầm lỡ.

Gần 3 năm sau khi chấp hành xong án phạt tù vì tội cướp tài sản, anh Lê Văn Lợi (SN 1995 ở xã Kim Phú, TP Tuyên Quang) đã tự mở được xưởng làm gương kính của riêng mình. Không những thế, anh còn tạo việc làm cho 3 thanh niên tại địa phương với mức lương từ 7 triệu đồng/người/tháng.

Để có được kết quả đó, ngoài nỗ lực cố gắng của bản thân thì sự chia sẻ, giúp đỡ của xã hội cũng rất quan trọng. Anh Lợi nhớ lại: “Trở về địa phương năm 2020 sau khi chấp hành xong án phạt 10 năm 6 tháng tù, tôi thực sự không biết sẽ làm gì để có thu nhập, rồi còn hoà nhập với xã hội bởi không ít người tại làng quê vẫn định kiến với những người như mình”.

Thời điểm đó, Công an xã cùng các đoàn thể, chính quyền địa phương đã tích cực động viên và hỗ trợ anh Lợi học nghề. Không để bản thân chìm đắm trong quá khứ tội lỗi, anh Lợi đã vượt qua mặc cảm, chọn học nghề làm gương kính, quyết tâm làm lại cuộc đời.

“Được sự giúp đỡ của mọi người, tôi vừa học nghề vừa làm, nên có thu nhập. Giữa năm 2021, tôi được hỗ trợ làm thủ tục vay 50 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh để mở cửa hàng. Khách gần bảo khách xa, việc làm cũng dần ổn định. Tôi đã có cuộc đời mới...” - anh Lợi tâm sự.

Theo trung tá Lương Anh Đào - Đội trưởng Đội Cảnh sát Thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp (Công an TP Tuyên Quang), khi tiếp nhận những người đã hoàn thành cải tạo trở về địa phương, lực lượng công an cùng chính quyền luôn chủ động gặp gỡ, động viên để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của họ.

“Trước hết là giúp đỡ việc thực hiện các thủ tục nhập khẩu, làm căn cước công dân, đăng ký hộ khẩu thường trú. Sau nữa là lắng nghe nguyện vọng, tìm hiểu sở trường của họ để có thể tư vấn, giới thiệu học nghề, kết nối những việc làm phù hợp. Họ sớm có công việc cũng là sớm hòa nhập được cộng đồng” - Trung tá Đào cho hay.

Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Tuyên Quang, hằng năm đơn vị này vẫn phối hợp với Công an thành phố tổ chức hội chợ tư vấn, tạo việc làm cho trên 500 người đã chấp hành xong án phạt tù trên địa bàn với thu nhập trung bình từ 5 triệu đồng/người/tháng. Hình thức khá đa dạng từ kết nối với các doanh nghiệp tới tạo điều kiện học nghề, vay vốn để kinh doanh.

Tuy vậy, con số này được cho vẫn chưa đạt như kỳ vọng so với số người đã chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương mỗi năm.

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Đức Chính - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm (Sở LĐTBXH Tuyên Quang) - cho biết, công tác tư vấn, tạo việc làm cho những người đã chấp hành xong án phạt tù trên địa bàn chưa được cao. Vấn đề này có nhiều lý do nhưng phần nhiều do đối tượng lao động này còn khá mặc cảm về bản thân.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn