MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Dệt may là ngành có đông lao động nữ. Ảnh: Kiều Vũ

Tập trung giải quyết các vấn đề liên quan đến đặc thù của lao động nữ

Kiều Vũ LDO | 08/03/2022 12:01
Những trao đổi tại Toạ đàm “Ban Nữ công Công đoàn các cấp với vấn đề chăm lo việc làm, đời sống của lao động nữ hiện nay” do Tổng LĐLĐVN tổ chức ngày 7.3 dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch Thái Thu Xương cho thấy, CĐ, nhất là nữ công CĐ các cấp luôn có mặt khi lao động nữ cần. Vì vậy, để đảm bảo tốt hơn quyền lợi cho NLĐ nói chung, LĐ nữ nói riêng, các cán bộ CĐ đã có nhiều đề xuất thiết thực.

Công đoàn và doanh nghiệp cùng chia sẻ khó khăn

Trao đổi tại Toạ đàm, anh Nguyễn Văn Tân - Chủ tịch Công đoàn cơ sở Cty TNHH Hosiden Việt Nam (Bắc Giang) cho biết, trong thời gian đóng cửa nhà máy (trong đợt dịch bệnh), các khoản tiền thanh khoản bị gián đoạn, tiền lưu động của nhà máy bị nhỡ, Ban Giám đốc đã đề nghị mượn tiền quỹ CĐ 1 tỉ đồng để ủng hộ quỹ vaccine theo sự kêu gọi của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh. Ngược lại khi CĐCS hỗ trợ 500.000 đồng/đoàn viên thì bị thiếu quỹ, đã xin tạm ứng tiền từ công ty để việc ủng hộ được kịp thời.

Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Long An Phạm Thị Quyên chia sẻ, trong đợt dịch COVID-19 lần thứ tư, LĐLĐ tỉnh đã kịp thời triển khai các gói hỗ trợ thông qua các chương trình đậm tính nhân văn như: “Chuyến xe nghĩa tình - Phần quà kết nối yêu thương” trao 175.000 phần quà cho CNLĐ ở các khu nhà trọ; “Chương trình “Trao sữa yêu thương - Ấm tình Công đoàn” trao 6.000 suất quà cho con CNLĐ trong độ tuổi từ 0 đến 3 tuổi và 1.200 suất quà cho nữ CNLĐ đang mang thai tại các nhà trọ trên địa bàn tỉnh; chương trình “Công đoàn trao gởi yêu thương - Cùng em đến trường” trao tặng 36 máy tính bảng cho học sinh có cha hoặc mẹ là công nhân lao động, đoàn viên công đoàn mất do dịch COVID-19.

Kiến nghị có cơ chế việc bắt buộc bố trí cán bộ chuyên trách 

Theo Phó Trưởng ban Tuyên giáo Tổng LĐLĐVN Vũ Mạnh Tiêm, Ban Nữ công Công đoàn cần tham mưu các chính sách cho nữ CNLĐ từ cơ sở, như về nhà ở, nhà trẻ, bữa ăn ca… Bên cạnh đó, cần nâng cao trình độ mọi mặt cho nữ CNVCLĐ, chăm lo về đời sống, thu nhập, sức khỏe, tâm tư, nguyện vọng của nữ CNVCLĐ .

Từ thực tế, nhất là sau khi giải quyết vụ ngừng việc tập thể vừa qua tại Công ty TNHH Viet Glory (Nghệ An), chị Nguyễn Thị Thu Nhi - Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Nghệ An - kiến nghị Tổng LĐLĐVN nghiên cứu có cơ chế việc bắt buộc bố trí cán bộ chuyên trách tại các doanh nghiệp có từ 1.000 LĐ trở lên, đặc biệt các doanh nghiệp FDI và quy định trong cơ cấu của BCH CĐCS doanh nghiệp phải đa số là CNLĐ. Chị Nhi cũng đề nghị Tổng LĐLĐVN nên xem xét sửa đổi quyết định về chi hỗ trợ phụ cấp cho cán bộ CĐ, đồng thời nghiên cứu sớm ban hành những chế độ hỗ trợ vật chất cụ thể nếu người lao động trở thành đoàn viên, ví dụ đoàn viên được CĐ tặng quà nhân dịp Tết, sinh nhật...

Cũng đưa ra các kiến nghị về quyền lợi của LĐ nói chung, LĐ nữ nói riêng, chị Phạm Thị Thanh Tâm - Phó Chủ tịch CĐ Dệt may Việt Nam - kiến nghị Chính phủ có chính sách hỗ trợ NLĐ tiền trông trẻ, gửi trẻ trong thời gian các cơ sở mầm non, tiểu học dừng hoạt động do dịch bệnh; đầu tư xây dựng, hỗ trợ chính sách, tạo điều kiện để NLĐ được tiếp cận các loại hình nhà ở xã hội, các nguồn kinh phí chuyển đổi nghề nghiệp, đào tạo nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp.

Theo chị Tâm, cần thúc đẩy cải cách các thủ tục hành chính, thủ tục xác nhận và giải quyết chế độ bảo hiểm cho bệnh nhân COVID-19; thúc đẩy để chính sách hỗ trợ người sử dụng LĐ đầu tư xây dựng nhà trẻ, lớp mẫu giáo, cơ sở y tế, công trình văn hóa và các công trình phúc lợi khác; chính sách giảm thuế đối với doanh nghiệp sử dụng nhiều LĐ nữ được thực thi trên thực tế.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn