MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tàu Khánh Đỏ mới hoạt động tháng 1.2017 nhưng vỏ đã rỉ sét, liên tục hỏng hóc. Ảnh: XUÂN NHÀN

Tàu vỏ thép đóng theo Nghị định 67 hư hỏng: Ngư dân cân nhắc khởi kiện cơ sở đóng tàu

Xuân Nhàn LDO | 12/05/2017 06:59
Một số ngư dân Bình Định cho biết đang tính tới khả năng khởi kiện nhà sản xuất ra tòa do gánh chịu tổn thất quá lớn từ tình trạng hư hỏng, kém chất lượng của những con tàu hình thành trong khuôn khổ chương trình Nghị định 67 của Chính phủ. Đây là diễn biến căng thẳng tiếp theo sau cuộc đối thoại bất thành giữa đại diện Cty TNHH Đại Nguyên Dương (Nam Định) với nhóm khách hàng có đơn khiếu nại cuối tuần qua.
Hỏng hóc “như cơm bữa”

Bình Định hiện có 56 chủ tàu ký hợp đồng vay vốn đóng tàu theo Nghị định 67 năm 2014 gồm 47 tàu vỏ thép, 5 tàu composite, 4 tàu vỏ gỗ. Tổng vốn cam kết cho vay là 874,6 tỉ đồng; đã giải ngân 803,6 tỉ đồng cho 55 hợp đồng tín dụng. Trong số này, 44 tàu (37 tàu vỏ thép, 4 tàu vỏ gỗ, 3 tàu composite) đã đi vào hoạt động. Điều bất thường là thời gian hạ thủy chưa lâu, hỏng hóc đã xảy ra liên tục. “Sự cố” chủ yếu hiện diện trên sản phẩm do Cty TNHH MTV Nam Triệu (Hải Phòng) và Cty TNHH Đại Nguyên Dương xuất xưởng.

Tàu cá vỏ thép Khánh Đỏ của ông Đinh Công Khánh ở thôn An Quang Tây, xã Cát Khánh, huyện Phù Cát mang số hiệu BĐ 99086 TS. Khối tài sản trị giá 18,5 tỉ đồng, bao gồm cả ngư lưới cụ được Cty Nam Triệu bàn giao, đưa vào sử dụng tháng 1.2017. 

Trong hồ sơ lập bởi đoàn kiểm tra liên ngành Bình Định (gồm Sở NNPTNT, Công an, Bộ đội Biên phòng, chính quyền địa phương...), tình trạng con tàu được mô tả như sau: Vỏ rỉ sét, xuống cấp; bầu nước ngọt nứt, hộp số máy chính hỏng; công suất máy điện không đúng hợp đồng; hầm bảo quản không giữ được nhiệt, chảy đá. Ông Khánh kêu trời: “Cty Nam Triệu cử người vô sửa chữa vẫn không xong. Chỉ 2 chuyến biển, gia đình tôi đã lỗ hơn 500 triệu đồng”.

Nhiều khách hàng của Cty TNHH Đại Nguyên Dương cũng vò đầu bứt tai. Tàu BĐ 99018 TS của ông Võ Tuân ở Phù Mỹ hoạt động từ tháng 4.2016 thì vỏ tàu, mặt boong, ca bin, trang thiết bị trên boong bị bong tróc, xuống cấp; van ống rỉ sét, két dầu hỏng, chảy dầu; đường ống dẫn nước biển làm mát máy bị gãy, nước chảy vào bên trong; nước biển thâm nhập két dầu gây hỏng cả máy chính lẫn máy phát điện. 

Tương tự là tàu BĐ 99179 TS của chủ tàu Mai Văn Chương; tàu BĐ 99027 TS của ông Trần Minh Vương, đều trú tại Phù Cát. Chủ tàu vỏ thép mang số hiệu BĐ 99567 TS Nguyễn Văn Mạnh ở xã Mỹ Đức, huyện Phù Mỹ - một khách hàng khác của Đại Nguyên Dương - tố: “Trong quá trình tham gia giám sát tại nhà máy đóng tàu, con trai tôi ghi lại hình ảnh phản ánh việc Cty thay đổi chất liệu từ thép Hàn sang thép Trung Quốc, đơn phương vi phạm hợp đồng. Khi lên tiếng chất vấn, người của tôi đã bị cản trở, đe dọa một cách thô bạo”.

Theo kết quả tổng hợp chưa đầy đủ của Sở NNPTNT Bình Định, trong số 5 tàu vỏ thép do Cty TNHH Đại Nguyên Dương cung cấp, có 3 tàu bị hư hỏng, xuống cấp. Với sản phẩm của Cty THHH MTV Nam Triệu, tỉ lệ này là 6/20 tàu.

Không xong sẽ kiện

Đã có 10 lá đơn từ các chủ tàu đóng theo Nghị định 67 gửi tới các cơ quan chức năng kêu cứu. Hôm 5.5, sau một buổi sáng đối thoại chưa ngã ngũ đúng sai, Sở NNPTNT Bình Định yêu cầu đại diện Cty TNHH Đại Nguyên Dương và Nam Triệu phải làm việc trực tiếp với từng chủ tàu có đơn khiếu nại. 

Phó Giám đốc Sở NNPTNT Bình Định Trần Văn Phúc tóm tắt kết quả “thương lượng” giữa các bên như sau: “Phía Nam Triệu đồng ý chi trả kinh phí sửa chữa toàn bộ phần hư hỏng trên những con tàu do Cty sản xuất. Tuy nhiên, một thỏa thuận như vậy là điều chưa có được đối với nhà cung cấp Đại Nguyên Dương”. 

Cụ thể, đại diện Cty Đại Nguyên Dương chỉ chấp nhận hỗ trợ mỗi tàu hư hỏng 133 triệu đồng, gồm 33 triệu đồng thiết kế cải hoán tàu và 100 triệu đồng sơn sửa lại. Một sự “bù đắp” không đáng kể so với phí tổn thực tế của ngư dân. Trưởng Phòng NNPTNT Phù Mỹ Ngô Đình Ba phản ứng trước ý kiến của đại diện Cty Đại Nguyên Dương rằng không có khác biệt lớn về chất lượng giữa thép Trung Quốc và Hàn Quốc: “Rõ ràng, họ đã vi phạm hợp đồng. Đấy là chưa kể hành vi tùy tiện thay đổi quy cách, chuyển từ thép dày 1 phân sang thép 8 ly, thép 8 ly xuống 6 ly, trực tiếp đe dọa sự an toàn của con tàu và tính mạng ngư dân trên biển”.

Trả lời P.V Báo Lao Động, Giám đốc Sở NNPTNT Bình Định Phan Trọng Hổ nói: “Còn rất nhiều việc để làm. Phải soát xét, đối chiếu từng điều khoản chi tiết trong các bản hợp đồng, “soi” trách nhiệm mỗi bên, xem ai làm đúng cam kết, ai không. Cuối cùng, nếu bất đồng chưa khép lại, chúng tôi kiến nghị thành lập hội đồng kiểm định nhằm trưng cầu ý kiến đánh giá độc lập, không thiên vị từ các chuyên gia”. Chủ tàu BĐ 99027 TS, ông Trần Minh Vương biểu thị thái độ không khoan nhượng: “Cơ sở sản xuất sai, họ phải chịu trách nhiệm sửa chữa, bảo dưỡng. Chúng tôi cũng trông chờ ý kiến giám định từ giới chuyên gia. Nếu không, vụ việc sẽ được phân xử trắng đen tại pháp đình”.
Ngày 19.4, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Bình Định có công văn 303/BIĐ2 gửi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, trong đó đề cập việc 12 ngư dân được UBND tỉnh phê duyệt đủ điều kiện vay vốn đóng mới, nâng cấp tàu khai thác và tàu dịch vụ theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP nhưng từ chối tham gia chương trình.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn