MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Các tỉnh ở Tây Nguyên đang thiếu hụt nguồn nhân công thu hái cà phê. Ảnh: Phan Tuấn

Tây Nguyên “khát” nhân công hái cà phê

Phan Tuấn - Thanh Tuấn LDO | 24/11/2021 15:00
Mặc dù sẵn sàng trả mức giá nhân công cao hơn mọi năm nhưng người nông dân trồng cà phê trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên vẫn như ngồi trên lửa vì thiếu người thu hái.

Tiền công cao, nhưng thiếu nhân công trầm trọng

Gia đình anh Phạm Văn Hanh, ở xã Đắk N’Drung (huyện Đắk Song) có 2ha cà phê đang bước vào vụ thu hoạch.

Theo anh Hanh, mọi năm chưa đến thời vụ đã có người liên hệ để đến hài cà phê thuê. Thế nhưng, năm nay, gia đình anh Hanh phải đăng tìm kiếm nhân công trên mạng xã hội, nhờ người quen ở các tỉnh thành khác giới thiệu, trầy trật lắm mới thuê được 4 người. 

“Với 4 nhân công vừa thuê mướn được, gia đình tôi dự kiến sau 20 ngày sẽ thu hoạch xong 2ha cà phê đang thời kỳ chín rộ. Năm trước gia đình tôi thuê chỉ trả với mức giá 1.000 đồng/kg. Năm nay giá nhân công tăng cao hơn, hiện dao động ở mức 1.200 -1.400 đồng/kg”. 

Tương tự, ông Nguyễn Văn Hai, một người dân xã Ia Der, huyện Ia Grai cho biết, gia đình ông có 4ha cà phê đang bước vào thu hoạch. Năm trước gia đình ông trả công 220.000 đồng/ngày không bao ăn, uống. Còn năm nay, ông trả công tăng lên 250.000 đồng/ngày, bao thêm bữa ăn trưa, nước uống.

“Giá nhân công tăng cao hơn nhưng việc tìm kiếm nhân công hái cà phê thì không mấy thuận lợi vì giá xăng tăng cao, dịch bệnh khó lường. Năm nay, giá cà phê có nhích hơn mọi năm nên người dân chúng tôi cũng sẵn sàng trả công hái cà phê cao hơn cho người lao động khoảng 20%” - ông Hai cho biết. 

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Nông, cà phê là cây trồng chủ lực của tỉnh với diện tích khoảng 131.000ha. Mùa vụ năm 2021 này, sản lượng toàn tỉnh ước đạt 332.000 tấn và cần khoảng 13 triệu ngày công lao động thu hái cà phê. Tuy nhiên, lực lượng lao động tại chỗ chỉ đáp ứng được khoảng 50%. Do đó, tình trạng thiếu hụt nhân công thu hái cà phê có thể xảy ra. 

Vét đến những lao động cuối cùng

Tại tỉnh Gia Lai có hơn 87.700ha cà phê đang trong giai đoạn kinh doanh. Tuy nhiên, theo Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Gia Lai, mùa thu hoạch cà phê các năm trước có một lượng lớn lao động từ các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Phú Yên, Bình Định... lên trợ giúp. Nhưng năm nay, mặc dù giá nhân công tăng cao hơn nhưng lượng người đến hái cà phê lại giảm mạnh. Nguyên nhân là do ảnh hưởng của dịch bệnh, lũ lụt... nên người lao động đi lại khó khăn.

Đơn cử như ở xã Ia Hrung, huyện Ia Grai có khoảng 1.300ha cà phê đang bước vào vụ thu hoạch. Những năm trước, thường có khoảng 5.000 người lao động từ các địa phương khác đến hái cà phê thuê. Tuy nhiên, đến thời điểm này, lượng lao động đến địa phương này khá ít, các vườn rẫy cà phê đang chạy đôn, chạy đáo đi tìm nhân công. Và nông dân tỉnh Đắk Lắk, Lâm Đồng... cũng lao đao nhu cầu công lao động hái cà phê tương tự các nơi khác.

Anh Điểu Tụy trước đây làm công nhân ở thành phố Hồ Chí Minh. Đợt dịch COVID-19 vừa qua, anh Pu trở về xã Đắk Búk So, huyện Tuy Đức (tỉnh Đắk Nông) để tránh dịch. Theo anh, ngay sau khi trở về địa phương do có sẵn rẫy vườn nên anh không thất nghiệp. Hiện nay, anh Điểu Tụy cùng với 3 thành viên trong gia đình có thêm nhân lực để hái cà phê. 

Mặc dù đã có nguồn lao động lớn từ các tỉnh thành phố trở về địa phương bù đắp một phần, tuy nhiên, đến thời điểm này, ở các tỉnh Đắk Nông, Gia Lai vẫn đang thiếu hụt nguồn nhân công thu hái cà phê trầm trọng. Để giải quyết khó khăn này, các địa phương đã có những cách làm sáng tạo, hiệu quả.

“Chính quyền cơ sở đã vận động thành lập các tổ, nhóm đổi công hái cà phê cho người dân. Mặt khác, chính quyền địa phương cũng huy động lực lượng thanh niên, xung kích, giúp dân thu hoạch cà phê, giảm bớt áp lực thiếu nhân công hiện nay” - ông Lê Công Phú - Chủ tịch xã Ia Hrung cho hay.

Còn tại tỉnh Đắk Nông, theo ông Hoàng Viết Nam, Phó Giám đốc Sở Lao động, thương binh - Xã hội tỉnh Đắk Nông, hiện nay, bộ phận chuyên môn của đơn vị đang phối hợp với các địa phương rà soát người chưa có việc làm, người lao động vừa trở về từ các tỉnh, thành phố để giới thiệu, huy động lực lượng này cùng nông dân địa phương thu hoạch cà phê cho người dân.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn