MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhiều công nhân thỏa ước mơ sum họp khi được tổ chức công đoàn tặng "Tấm vé nghĩa tình" - Ảnh: L.T

Tết này mẹ có về không?

Ngọc Hà LDO | 05/02/2018 11:00

“Tết này mẹ có về không?” – Đầu dây bên kia, đứa con gái hơn chục tuổi đầu của chị ngập ngừng. Chị cố kìm nén tiếng nấc đang chực chờ ở cổ nhưng không ngăn được dòng nước mắt rơi: “Công ty mẹ có nhiều việc quá. Ra Tết mẹ về với con nhé”.

Vợ chồng chị cùng quê Yên Bái, vào Sài Gòn lập nghiệp khi vừa tròn đôi mươi. Chị kể, cái đám cưới của đôi bạn trẻ làm công nhân lương vài triệu bạc mà gánh đủ thứ trên vai làm cả khu trọ xúc động. Anh chị về quê đăng ký kết hôn, làm mấy mâm cơm mời bà con họ hàng. Vào Sài Gòn, thuê mấy cái bàn, đặt mấy bàn tiệc, mời anh em xóm trọ và bạn bè thân thiết, vậy là nên vợ chồng.

Ở với nhau hơn chục năm, anh chị có với nhau hai con gái, trai đủ nếp đủ tẻ. Chị bảo, có con là một điều hạnh phúc nhưng mình không được gần con thì buồn vô cùng. Thế nhưng, cuộc sống còn nhiều khó khăn thì mình phải chấp nhận. Con hơn 2 tuổi, anh chị phải gửi con về quê cho ông bà ngoại chăm sóc. Hàng tháng, vợ chồng chị dành một phần tiền lương của một trong hai người để gửi về cho con. Mọi chi tiêu của vợ chồng chị đều rất tằn tiện, bởi chị nghĩ: “Con không được ở gần bố mẹ là một điều thiệt thòi nên cô bù đắp". Chính vì lẽ đó, nên dù vất vả vợ chồng chị cũng cố gắng để con có cuộc sống tạm đủ.

Chị bảo, vì cả năm xa con nên chị chỉ mong đến ngày Tết để được về với con. Tuy nhiên, không phải năm nào ước mong đó cũng thành sự thật khi có những năm kinh tế khó khăn, tiền lương hạn hẹp, thưởng Tết không có, anh chị phải nén lòng ở lại Sài Gòn. Năm nay là một năm khó khăn của công ty chị khi công ty không có đơn hàng, không có tiền thưởng nên chị lên kế hoạch ăn Tết ở Sài Gòn mà không về quê.

Như cảm nhận có điều khác thường khi năm nay bố mẹ không nói gì về kế hoạch về quê, lời hứa chở con đi chợ Tết, gói bánh chưng… nên mỗi lần gọi điện, hai đứa con chị đều hỏi “Bao giờ bố mẹ về quê?” hay “Năm nay bố mẹ không về Tết sao?"… Mỗi lần nghe con hỏi, chị đều nước mắt ngắn dài nhưng luôn cố để các con không biết mẹ khóc.

“Ông bà đã già, chân đã yếu, Tết cũng mong con cái về để phụ. Con cái còn nhỏ dại cũng mong bố mẹ về để được vỗ về, chăm sóc. Bản thân mình, xa con bao nhiêu lâu, cũng muốn được về bên con. Thế nhưng nếu bây giờ mà về thì vợ chồng tôi không có tiền để quay trở vô” – Chị chực chờ khóc nghẹn.

Năm nay, Yên Bái bị bão lũ, công đoàn ở công ty cho biết sẽ hỗ trợ vé xe để anh chị về quê, tuy nhiên anh chị từ chối. “Về rồi lấy gì để quay trở vào. Về quê không chỉ có vé xe mà còn có rất nhiều chi phí khác. Thôi thì gom góp tất cả để gửi về quê, để bà cháu sắm áo mới. Ra năm, khi vé xe giảm xuống, chi tiêu ngày Tết bớt đắt đỏ thì vợ chồng tôi về” – Chị lý giải.

Lựa chọn của chị cũng là lựa chọn của rất nhiều gia đình công nhân khác khi gửi con về quê, cả năm mới có một dịp Tết nhưng vẫn không thể về quê sum họp với gia đình. Với những công nhân ấy, họ đã lựa chọn phần thiếu thốn về phía mình và nhường một cái Tết đủ đầy hơn cho người thân.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn