MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Các công nhân ở trọ cùng trang trí cho cây mai ở khu nhà trọ của gia đình ông Hoàng Kim Hùng ở phường Tân Tạo, quận Bình Tân. Ảnh Nam Dương

Tết về trong xóm trọ công nhân ở TPHCM

Nam Dương LDO | 30/01/2022 16:54

Sự chia sẻ của chủ nhà trọ với công nhân giúp cho những người ở lại ăn Tết cảm thấy nguôi ngoai phần nào nỗi nhớ nhà khi phải xa quê.

10g30' ngày 30.1 (28 Tết), chúng tôi đến khu nhà trọ của gia đình ông Hoàng Kim Hùng ở 1104/7A đường tỉnh lộ 10, Phường Tân Tạo, Quận Bình Tân. Khu nhà trọ khá rộng với nhiều dãy phòng trọ, rợp bóng cây, mát mẻ, yên tĩnh.

Giữa sân là một cây mai và một cây đào với những bông hoa bằng giấy rực rỡ tượng trưng cho mùa xuân hai miền Nam, Bắc. Một nhóm công nhân, người lao động ở lại ăn Tết đang cùng tỉa tót, trang trí lại cho cây mai, cây đào đẹp hơn.

Công nhân ở trọ cùng trang trí cây đào ở khu nhà trọ của gia đình ông Hoàng Kim Hùng ở phường Tân Tạo, quận Bình Tân. Ảnh: Nam Dương

Anh Hồ Duy Nghĩa, công nhân bảo trì Công ty JieMeng, một người ở trọ tại đây cho biết, hai năm qua vì dịch, nên gia đình anh không về quê ở huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam ăn Tết. Vợ anh là công nhân Công ty PouYuen cũng vừa được nghỉ Tết hôm qua (27 Tết), nên hôm nay tranh thủ đi chợ mua sắm chút đồ Tết cho 2 con nhỏ và gia đình.

Anh Nghĩa cho biết thêm, chủ nhà trọ rất nghĩa tình, trong những tháng mùa dịch, đã miễn tiền trọ cho tất cả mọi gia đình thuê một tháng, người nào bị F0 còn được miễn thêm một tháng nữa, nhiều người khó khăn được giảm tiền thuê trọ.

Ông Hoàng Kim Hùng trò chuyện với mẹ con một công nhân ở trong khu nhà trọ của gia đình anh. Ảnh: Nam Dương

“Mấy hôm trước, chúng tôi được chủ nhà trọ tổ chức tiệc tất niên. Đến chung vui còn có đại diện công đoàn và các đoàn thể khác. Chúng tôi được tặng quà của công đoàn cho công nhân ở lại không về quê ăn Tết và chủ nhà trọ cũng tặng thêm quà gồm gạo, đường, nước nắm, bột nêm… cho anh em, nên cũng nguôi ngoai nỗi nhớ gia đình”, anh Nghĩa chia sẻ.

Phía trong là những dãy nhà trọ với nhiều phòng đã khóa cửa do công nhân về quê ăn Tết. Một số phòng trọ vẫn mở cửa và người ở lại đang chuẩn bị trang trí cho phòng trọ để đón Tết.

Bà Nguyễn Thị Út dọn dẹp bàn thờ chuẩn bị đón Tết trong khu nhà trọ. Ảnh: Nam Dương

Bà Nguyễn Thị Út, 65 tuổi, quê ở thị trấn Phan Rí Cửa, tỉnh Bình Thuận đang lau dọn dẹp phòng trọ, chuẩn bị bàn thờ cúng đón Tết. Bàn thờ Phật và tổ tiên được đặt trên nóc tủ quần áo bằng sắt có vài lon nước ngọt, một lọ hoa và một quả bưởi.

Tranh thủ nghỉ tay, bà Út kể, bà và chồng đã ly hôn 26 năm, bà vào TPHCM sinh sống cùng con trai và cháu. Con bà đi làm cho một công ty gần đó còn bà làm tạp vụ cho một công ty chuyên sơn tĩnh điện. Một tháng nếu làm đủ công cũng được hơn 5 triệu đồng tiền lương; tháng ít hơn thì được khoảng 4 triệu. Riêng tiền thuê phòng cũng hết 1,3 triệu, chưa kể tiền điện, nước.

Các công nhân ở lại không về quê đón Tết được nhận quà do LĐLĐ TPHCM và chủ nhà trọ trao tặng trong bữa tiệc tất niên. Ảnh: Đức Long

Bà Út tâm sự: “Mình già rồi nhưng cũng ráng đi làm, đỡ đần cho con cháu được đồng nào hay đồng đó, chứ con mình đi làm công nhân cũng vất vả lắm. Được cái chủ nhà trọ rất tử tế, có khi chưa có tiền thì cho thiếu tiền nhà, trả nợ dần dần. Thậm chí có lúc thiếu tiền ăn, chủ nhà trọ còn cho mượn rồi có thì trả sau. Tết dù có khó khăn cũng ráng sắm sửa chút hoa trái để cúng tổ tiên, ông bà”.

Ở một căn phòng khác, chị Bùi Thanh Thủy đang cặm cụi, khó nhọc viết tên của ba, mẹ mình lên những bộ quần áo hàng mã chị chuẩn bị đốt cho cha mẹ trong bữa cơm cúng cuối năm. Viết xong, chị cẩn thận cất lại vào những bịch nylon đựng quần áo và tiếp tục làm cơm cúng.

Chị Bùi Thanh Thủy đang viết tên cha, mẹ mình lên bộ quần áo hàng mã chuẩn bị cúng, đốt cho cha mẹ. Ảnh: Nam Dương

Bữa cơm cúng gồm có đĩa chả lụa, bát canh củ cải trắng, cà rốt hầm với chân giò và một đĩa đậu que xào với thịt lợn.

Vừa chăm chút cho đồ cúng, chị Thủy vừa kể, quê chị huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh. Trước đây, chị cũng đi làm công nhân cho một công ty, nhưng sau công ty giải thể, chị xin việc không được nên đi làm bảo vệ cho một cửa hàng bán đồ ăn nhanh với tiền công 16.000 đồng/giờ, tự lo cơm nước.

Một ngày chị đi làm từ 15g đến 23g mới về và được trả công làm 7,5 giờ với số tiền 120.000 đồng/ngày, Tết cũng không có thưởng gì thêm. Chị nhiệt tình mời chúng tôi ở lại ăn bữa cơm cuối năm cùng với chị vì “chẳng mấy khi anh mới đến đây”.

Chị Thủy sửa soạn đồ ăn chuẩn bị cho bữa cúng cha, mẹ cuối năm. Ảnh: Nam Dương

“Ngày xưa còn trẻ mải làm kiếm tiến nuôi cha mẹ, chẳng nghĩ gì đến chuyện chồng con, nên giờ tôi sống một mình ở đây đã hơn 20 năm.

Cuối năm, mình cố gắng chắt chiu làm bữa cơm ngon trước là cúng cha, mẹ sau là mời những người cùng ở lại ăn Tết ăn bữa cơm với mình để cùng chia sẻ cảnh phải xa quê ngày Tết”, chị Thủy rưng rưng nói.

Ông Hoàng Kim Hùng, chủ nhà trọ 1104/7A đường tỉnh lộ 10, phường Tân Tạo, quận Bình Tân, cho biết, khu nhà trọ có 74 phòng với khoảng 170 người trọ, trong đó có nhiều gia đình ở đây nhiều năm.

Năm nay có khoảng 40% số người ở trọ ở lại không về quê ăn Tết. Dịp Tết năm nào ông cũng tổ chức tất niên cho mọi người ở lại cùng chung vui Tết và tặng quà cho họ, dù chỉ là mới vào ở trọ 1 ngày.

Đại diện LĐLĐ TPHCM và LĐLĐ Quận Bình Tân tặng quà cho khu nhà trọ của gia đình ông Hoàng Kim Hùng. Ảnh: Đức Long

“Những người ở trọ đa phần là công nhân, lao động tự do, vì khó khăn nên mới phải ở lại ăn Tết. Tôi muốn chia sẻ một chút với anh chị em để mọi người nguôi ngoai phần nào nỗi nhớ nhà khi Tết đến xuân về”, ông Hùng nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn