MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ngày 21.8.2020, Công ty Ắc quy KORNAM (KCN Phúc Khánh, TP.Thái Bình) có đơn xin phép cơ quan chức năng đồng thời ra quyết định chấm dứt hoạt động.

Thái Bình: Gần 30 lao động bị "treo" sổ BHXH sau khi công ty giải thể

TRUNG DU LDO | 22/03/2022 18:49
Thái Bình - Công ty Ắc quy KORNAM đã xin chấm dứt hoạt động, giải thể từ tháng 8.2020. Đến nay, gần 30 người nguyên là công nhân lao động của công ty vẫn chưa chốt được sổ BHXH do doanh nghiệp còn nợ gần 2 tỉ đồng tiền bảo hiểm.

Vừa qua, Báo Lao Động nhận được phản ánh của đại diện tập thể người dân tại tỉnh Thái Bình - nguyên là công nhân lao động của Công ty Ắc quy KORNAM (Lô D, KCN Phúc Khánh, TP.Thái Bình) - về việc dù công ty đã chính thức giải thể, chấm dứt hoạt động gần 2 năm nay nhưng họ không thể chốt được sổ BHXH để nối hay thanh toán chế độ BHXH một lần.

Lý do là Công ty Ắc quy KORNAM trước khi chấm dứt hoạt động còn nợ hơn 1,9 tỉ tiền đóng BHXH của 29 công nhân lao động, đến nay vẫn chưa thanh toán cho cơ quan BHXH tại Thái Bình.

Ngoài việc bị "treo" sổ BHXH, nhiều công nhân lao động cho biết còn bị nợ 2 tháng lương cơ bản, bị nợ 2 triệu đồng tiền bảo lãnh lúc mới xin vào công ty làm việc.

Ông N.T.T - nguyên Tổ trưởng hóa thành Công ty Ắc quy KORNAM - nói: "Nhiều người trong số chúng tôi gắn bó với công ty từ khi công ty thành lập. Vấn đề tồn tại cần giải quyết bây giờ là người lao động không được chốt thời gian tham gia BHXH. Một số người tại thời điểm khi vào làm việc với công ty phải đóng một khoản tiền bảo lãnh trách nhiệm, tuy nhiên đến nay cũng không được thanh toán".

"Công ty đã thu tiền đóng BHXH của người lao động nhưng không nộp cho cơ quan BHXH. Có những thời gian người lao động phải bỏ ra đủ 100% số tiền đóng BHXH để đóng BHXH. Vậy nên, đến thời điểm này, người lao động không được chốt quá trình đóng BHXH là rất thiệt thòi", ông V.C.Đ - nguyên Thủ kho Công ty Ắc quy KORNAM ngậm ngùi. 

Bà T.T.Q – nguyên Kế toán Công ty Ắc quy KORNAM - cho biết: "Việc công ty thu tiền đóng BHXH của người lao động mà không nộp cho cơ quan BHXH đã làm ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của người lao động. Ông Đào Công Hạnh - Phó Tổng Giám đốc khi đó là người đại diện cho công ty, các khoản tiền này ông Hạnh là người rút từ tài khoản ngân hàng của công ty ra và dùng tiền đó để làm gì thì không ai biết. Ông Hạnh có dấu hiệu biển thủ công quỹ và cả biển thủ cả tiền thu của người lao động để đóng BHXH".

 Số liệu về người lao động tham gia BHXH của Công ty Ắc quy KORNAM tính đến tháng 10.2021.

Theo tìm hiểu, năm 2002, Công ty Ắc quy KORNAM - là doanh nghiệp có vốn đầu tư Hàn Quốc (Tổng Giám đốc là ông Kim Jun Hwan, Phó Tổng Giám đốc là ông Đào Công Hạnh) - được UBND tỉnh Thái Bình cho thuê 14.950m2 tại Lô D (KCN Phúc Khánh, TP.Thái Bình) để thực hiện dự án xây dựng nhà máy sản xuất bình ắc quy. Đến năm 2011, UBND tỉnh Thái Bình thu hồi lại 5.500m2 trong tổng số 14.950m2 trước đó đã cho công ty thuê.

Trong quá trình sản xuất kinh doanh, Công ty Ắc quy KORNAM đã thế chấp quyền sử dụng 9.450m2 đất và tài sản trên đất gồm nhà xưởng, nhà điều hành, dây chuyền sản xuất, máy móc các loại cho Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam - chi nhánh Thái Bình. Do không có khả năng trả nợ, năm 2017, ngân hàng đã tổ chức phát mại bán đấu giá các tài sản thế chấp của công ty cho doanh nghiệp khác.

Trao đổi với phóng viên Lao Động, bà Phạm Thị Thắng - Chủ tịch Công đoàn các KCN tỉnh Thái Bình - cho biết: "Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, LĐLĐ tỉnh, ngày 17.10.2021, chúng tôi đã tổ chức gặp mặt, làm việc với 23 người nguyên là cán bộ, công nhân lao động Công ty Ắc quy KORNAM để ghi nhận ý kiến, thu thập hồ sơ và hướng dẫn công đoàn công ty, công nhân lao động đề nghị mở thủ tục phá sản đối với công ty.

Tuy nhiên, công nhân lao động không đồng ý mở thủ tục phá sản, bởi gần như toàn bộ tài sản có giá trị của công ty đã bị ngân hàng phát mại, doanh nghiệp khác đã mua lại. Tổng Giám đốc công ty đã về Hàn Quốc, Phó Tổng Giám đốc thì không nhận trách nhiệm. Việc mở thủ tục phá sản gần như không mang lại bất cứ quyền lợi gì cho họ nữa".

Phóng viên Lao Động đã cố gắng nhiều lần liên hệ đến số máy điện thoại được cho là của ông Đào Công Hạnh - nguyên Phó Tổng Giám đốc Công ty Ắc quy KORNAM để hỏi về trách nhiệm thanh toán BHXH đối với công nhân lao động, nhưng đến nay chúng tôi chưa nhận được bất cứ hồi âm nào.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn