MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Công nhân Công ty TNHH Shinshiya-NG Việt Nam (Cụm công nghiệp Đông La, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình) ngừng việc, tập trung trước cổng công ty vào sáng nay, 25.2. Ảnh: T.D

Thái Bình: Thêm một công ty có công nhân ngừng việc, đòi quyền lợi

TRUNG DU LDO | 25/02/2022 14:04
THÁI BÌNH - Bắt đầu từ ngày 23.2, hàng trăm công nhân, người lao động Công ty TNHH Shinshiya-NG Việt Nam (Cụm công nghiệp Đông La, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình) ngừng việc tập thể để yêu cầu công ty tăng lương cơ bản, phụ cấp, trợ cấp. Đến nay, công nhân vẫn chưa trở lại làm việc bình thường 100%.

Sáng nay, 25.2, theo ghi nhận của PV Lao Động, vẫn còn hàng chục công nhân, người lao động của Công ty TNHH Shinshiya-NG Việt Nam tập trung đông người trước cổng công ty, chưa chịu vào làm việc.

Công an của huyện, xã phải cử cán bộ đến giám sát tình hình, bảo đảm an ninh trật tự và công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Công ty TNHH Shinshiya-NG Việt Nam có địa chỉ tại Cụm công nghiệp Đông La (huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình) là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, chuyên sản xuất đồ chơi xuất khẩu. Hiện công ty có 743 công nhân lao động, tổ chức công đoàn cơ sở được thành lập từ năm 2017.

Theo báo cáo của LĐLĐ huyện Đông Hưng, vào hồi 7h30 ngày 23.2, có khoảng trên 100 công nhân tập trung tại cổng của Công ty TNHH Shinshiya-NG Việt Nam, không vào xưởng làm việc.

Trước đó, công nhân ở bộ phận phun sơn và in có làm đơn gửi ban lãnh đạo và công đoàn công ty đề nghị tăng lương và một số phụ cấp với lý do - từ năm 2020 đến nay, người lao động của công ty không được tăng lương và phụ cấp - trong khi các công ty lân cận có mức lương cơ bản cao hơn và được điều chỉnh tăng hàng năm.

Cụ thể, công nhân lao động đề nghị được tăng mức lương cơ bản từ 3.284.900 đồng lên 3.740.000 đồng/người/tháng (tức tăng 455.000 đồng/người/tháng).

Yêu cầu tăng tiền trợ cấp xăng xe từ 100.000 đồng/người/tháng lên 200.000 đồng/người/tháng (đối với người có cự ly từ nơi ở đến nơi làm việc dưới 10 km); tăng từ 150.000 đồng/người/tháng lên 250.000 đồng/người/tháng (đối với người có cự ly từ nơi ở đến nơi làm việc trên 10 km). Mức yêu cầu tăng chung đều là 100.000 đồng/người/tháng.

Thứ ba là đòi hỏi tăng tiền trợ cấp độc hại ở 2 bộ phận gồm ép nhựa, bộ phận phun sơn và in từ 164.000 đồng/người/tháng lên 312.000 đồng/người/tháng (tức tăng 148.000 đồng/người/tháng).

Đối với tiền ăn trưa, công nhân đề nghị đảm bảo đủ mức 15.000 đồng/người/bữa, không bao gồm chi phí nấu ăn. Ngoài ra, công nhân còn yêu cầu bổ sung mới tiền trợ cấp nắng nóng trong thời gian 3 tháng mùa hè với mức 5.000 đồng/ngày/người (tức thêm mới 390.000 đồng/người/năm).

Báo cáo ban đầu của LĐLĐ huyện Đông Hưng về sự việc công nhân ngừng việc tập thể xảy ra tại Công ty TNHH Shinshiya-NG Việt Nam.

Ngay sau sự việc, LĐLĐ huyện Đông Hưng đã chủ động phối hợp với Công an huyện và các ngành chức năng của huyện, chỉ đạo và tham gia cùng công đoàn công ty, ban lãnh đạo công ty giải quyết sự việc.

"Tuy nhiên, do tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhiều công nhân và cả giám đốc công ty đều đang mắc COVID-19 nên LĐLĐ huyện và các ngành chức năng chỉ làm việc thông qua phó giám đốc công ty, phó giám đốc công ty làm việc với giám đốc công ty và làm việc trực tuyến với lãnh đạo của tổng công ty bên Hồng Kông" - báo cáo của LĐLĐ huyện Đông Hưng do ông Nguyễn Văn Tiếp - Phó chủ tịch LĐLĐ huyện ký, cho biết.

Khoảng 10h30 ngày 23.2, công nhân công ty không còn tụ tập trước cổng. Đến 11h30 cùng ngày vẫn chưa có kết quả cụ thể, do đó, lãnh đạo LĐLĐ huyện Đông Hưng và các ngành chức năng yêu cầu lãnh đạo công ty cần sớm đưa ra hướng giải quyết để công đoàn công ty kịp thời thông báo cho người lao động ngay trong buổi chiều ngày 23.2.

Sau đó, đến 15h00 cùng ngày Công ty TNHH Shinshiya- NG Việt Nam đã ban hành thông báo xin thêm thời gian để bàn bạc giải quyết.

"Trước tình hình trên, LĐLĐ huyện giao nhiệm vụ cho công đoàn cơ sở vừa động viên công nhân trở lại làm việc từ sáng 24.2, vừa tích cực chủ động cùng lãnh đạo công ty đưa ra giải pháp phù hợp để sớm ổn định tình tình sản xuất, không làm mất an ninh trật tự và không vi phạm các quy định về phòng chống dịch bệnh COVID-19" - ông Nguyễn Văn Tiếp - Phó chủ tịch LĐLĐ huyện Đông Hưng, nói.

Chiều 25.2, trao đổi với PV Lao Động, ông Nguyễn Văn Tiếp cho biết, trong buổi sáng cùng ngày, lãnh đạo UBND huyện Đông Hưng, lãnh đạo Công an huyện, LĐLĐ huyện cùng các phòng, ban liên quan của huyện đã tổ chức làm việc, họp với ban lãnh đạo công ty, yêu cầu sớm xem xét, đưa ra câu trả lời chính thức cho công nhân lao động.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn