MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhà tưởng niệm đồng chí Nguyễn Đức Cảnh được công nhận là di tích quốc gia năm 2019. Ảnh: Mai Dung

Thăm di tích tưởng niệm đồng chí Nguyễn Đức Cảnh ở Hải Phòng

Mai Dung LDO | 27/07/2024 14:00

Nhiều năm nay, nhà tưởng niệm đồng chí Nguyễn Đức Cảnh là địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống yêu nước của CNVCLĐ trong và ngoài TP.Hải Phòng.

Công trình tâm huyết của quân và dân TP.Hải Phòng

Đồng chí Nguyễn Đức Cảnh (1908 - 1932) nguyên là sáng lập viên Đảng Cộng sản Việt Nam, nguyên Bí thư Xứ ủy Bắc Kỳ, Bí thư đầu tiên của Đảng bộ TP.Hải Phòng, nguyên Chủ tịch Tổng Công hội đỏ Bắc Kỳ (tổ chức tiền thân của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam).

75 năm sau khi đồng chí Nguyễn Đức Cảnh bị giặc Pháp xử chém cùng với đồng chí Hồ Ngọc Lân, đến tháng 9.2007, di hài của 2 đồng chí được tìm thấy tại khuôn viên Công ty Cổ phần Giầy Thống Nhất, xã An Đồng, huyện An Dương, TP.Hải Phòng.

Nhà tưởng niệm đồng chí Nguyễn Đức Cảnh. Ảnh: Mai Dung

Năm 2008, Nhà tưởng niệm lãnh tụ Nguyễn Đức Cảnh và liệt sĩ Hồ Ngọc Lân được xây dựng tại chính nơi tìm thấy hài cốt 2 đồng chí. Nhà tưởng niệm đi vào hoạt động từ năm 2009, trở thành địa chỉ đỏ của thành phố nói riêng, giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn Việt Nam nói chung trong việc giáo dục tư tưởng, truyền thống cách mạng sâu sắc về tấm gương sáng của đồng chí Nguyễn Đức Cảnh.

Tuy nhiên, do khuôn viên nhà tưởng niệm còn hạn chế, chưa đáp ứng nhu cầu của nhân dân, công nhân viên chức, lao động (CNVCLĐ), Ban Bí thư Trung ương Đảng đồng ý chủ trương xây dựng nhà tưởng niệm đồng chí Nguyễn Đức Cảnh tại khuôn viên rộng lớn hơn với diện tích 3 ha.

Công trình khởi công ngày 3.2.2018 và một năm sau đó khánh thành, đưa vào sử dụng, đúng dịp kỷ niệm 111 năm Ngày sinh của đồng chí Nguyễn Đức Cảnh và kỷ niệm 89 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Tại lễ khánh thành, Nhà tưởng niệm cũng được nhà nước xếp hạng di tích quốc gia.

Địa chỉ đỏ của cán bộ công đoàn, CNVCLĐ

Nhà tưởng niệm lãnh tụ Nguyễn Đức Cảnh có giá trị lịch sử, văn hóa to lớn, luôn là địa chỉ đỏ thu hút đông đảo nhân dân, CNVCLĐ, học sinh sinh viên và du khách thập phương đến chiêm bái, tri ân, thăm quan tại di tích.

Đây cũng là nơi diễn ra hàng trăm sự kiện của tổ chức Công đoàn cũng như các địa phương, tổ chức đoàn thể.

Theo đại diện Ban Quản lý Nhà tưởng niệm, trong những ngày tháng 7 lịch sử, hướng tới kỉ niệm 95 năm Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam, mỗi ngày, nhà tưởng niệm đón hàng trăm, nghìn lượt du khách, cán bộ công đoàn, CNVCLĐ khắp các tỉnh, thành phố về tham quan, dâng hương, ôn lại truyền thống vẻ vang của tổ chức Công đoàn Việt Nam.

Liên đoàn Lao động huyện Vĩnh Bảo biểu dương 60 CNVCLĐ giỏi, sáng tạo. Ảnh: Mai Dung

Bà Nguyễn Thị Hương - Chủ tịch Liên đoàn Lao động huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng - cho biết: Nhiều năm gần đây, Liên đoàn Lao động huyện luôn lựa chọn Nhà tưởng niệm để tổ chức các hoạt động ý nghĩa như bồi dưỡng nhận thức về Đảng cho cán bộ công đoàn, CNVCLĐ; kết nạp Đảng, biểu dương Lao động giỏi, lao động sáng tạo cũng như hành trình về nguồn cho cán bộ Công đoàn, con CNVCLĐ vượt khó học giỏi hàng năm.

"Dưới anh linh đồng chí Nguyễn Đức Cảnh, cán bộ, đoàn viên, người lao động ý thức sâu sắc trách nhiệm của mình, thêm hăng hái thi đua, đạt kết quả cao trong mọi mặt công tác" - bà Hương cho hay.

Một số hình ảnh tại Nhà tưởng niệm đồng chí Nguyễn Đức Cảnh:

Công trình Nhà tưởng niệm đồng chí Nguyễn Đức Cảnh có tổng kinh phí hơn 110 tỉ đồng từ nguồn xã hội hóa.
Công trình gồm cổng chính, cổng phụ, hàng rào, đền thờ, nhà Tả vu, Hữu vu, nhà bia; tứ trụ; chòi cảnh quan, hồ sen, miếu thờ bà chúa Nam Phương...
Khuôn viên Nhà tưởng niệm rất nhiều cây xanh, bốn mùa hoa nở.
Tượng đồng chí Nguyễn Đức Cảnh trong đền thờ.
Mỗi năm, Nhà tưởng niệm đón hàng vạn lượt du khách, cán bộ, đoàn viên, CNVCLĐ cả nước. Ảnh: Mai Dung

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn