MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đa số DN đông công nhân trên địa bàn Thanh Hoá hoạt động trong lĩnh vực may mặc. Ảnh: X.H

Thanh Hoá: Chấm dứt hợp đồng lao động với gần 16 nghìn công nhân

Xuân Hùng LDO | 19/04/2020 11:10
Theo báo cáo của LĐLĐ Thanh Hoá, từ cuối tháng 3/2020 đến nay, các doanh nghiệp trên địa bàn bắt đầu gặp khó khăn, nhiều doanh nghiệp phải sản xuất cầm chừng, thu hẹp sản xuất, cho công nhân nghỉ việc luân phiên và từng bước đã cắt giảm lao động.

Theo đó, tính đến ngày 15.4.2020, có 201 đơn vị (trong đó khối doanh nghiệp là 156, trường học là 45) phải thực hiện việc cắt giảm lao động, với số lao động bị ảnh hưởng là 46.686 người. Trong đó: Chấm dứt hợp đồng lao động: 15.982 người; Người lao động phải nghỉ luân phiên: 7.845 người; Tạm hoãn hợp đồng lao động, ngừng việc: 22.859 người.

Hầu hết các doanh nghiệp khi cho người lao động nghỉ việc đều chưa chấp hành đúng quy định về trình tự, thủ tục của pháp luật. Nhiều doanh nghiệp thông báo chấm dứt luôn với người lao động vào cuối buổi chiều, không thông báo trước cho người lao động biết, Công đoàn cơ sở cũng không được thông báo.

Các doanh nghiệp chấp nhận bồi thường cho người lao động để chấm dứt hợp đồng theo đúng quy định của pháp luật, cụ thể: Đối với loại hợp đồng có thời hạn từ 1 năm đến 3 năm, bồi thường 30 ngày lương; đối với loại hợp đồng không xác định thời hạn bồi thường 45 ngày lương.

Tiền lương và các chế độ phụ cấp của người lao động được người sử dụng lao động chi trả đảm bảo đúng quy định của pháp luật.

Qua báo cáo của các cấp Công đoàn cho thấy, các doanh nghiệp sẽ tiến hành cắt giảm lao động theo thứ tự như sau: Thứ nhất, cắt giảm toàn bộ lao động đang trong thời gian thử việc; Thứ hai, nếu dịch COVID-19 vẫn tiếp tục như hiện nay, sẽ cắt giảm đến lao động có thời hạn làm việc dưới 1 năm; Bố trí cho người lao động làm việc luân phiên để duy trì hoạt động; Thứ ba, từ tháng 5 trở đi nếu dịch COVID-19 vẫn chưa giảm thì sẽ tiếp tục cắt giảm đến hợp đồng lao động từ 1 năm trở lên.

Dự báo cao nhất có khả năng phải cắt giảm tối đa đến 50% lực lượng lao động của doanh nghiệp.

Theo ông Ngô Tôn Tẫn – Chủ tịch LĐLĐ Thanh Hoá, trước thực trạng trên, LĐLĐ tỉnh đã chỉ đạo các cấp Công đoàn, nhất là CĐCS nắm chắc tình hình sản xuất tại các doanh nghiệp, phương án sử dụng lao động của các doanh nghiệp, yêu cầu Chủ tịch công đoàn cơ sở các doanh nghiệp đề nghị doanh nghiệp có chính sách giữ chân người lao động khi doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lại và xây dựng phương án tinh giảm lao động theo đúng quy định, đảm bảo các chế độ cho người lao động, báo cáo với cơ quan quản lý nhà nước về lao động và thông báo cho Công đoàn cơ sở biết. Bên cạnh đó, CĐCS cần tăng cường công tác tuyên truyền, động viên để người lao động hiểu và chia sẻ cùng doanh nghiệp trong điều kiện khó khăn do đại dịch COVID-19 gây ra.

Tính đến 25.3.2020, LĐLĐ tỉnh đang quản lý trực tiếp 565 CĐCS các doanh nghiệp, với 163.705 CNLĐ là đoàn viên Công đoàn thuộc các loại hình doanh nghiệp. Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, có nhiều doanh nghiệp bị ảnh hưởng như: Lĩnh vực giao thông, vận tải; Thương mại – dịch vụ; May mặc, giầy da; Đơn vị trường học ngoài công lập….. Đặc biệt là các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất giầy, may mặc xuất khẩu có số lượng đông công nhân lao động đang gặp rất khó khăn từ khâu nhập nguyên liệu, đến khâu xuất khẩu thành phẩm.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn